Rào cản đối với sự phát triển kinh tế kỹ thuật số

0:00 / 0:00
0:00
ASEAN được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi này là nhờ lực lượng dân số trẻ ngày càng hiểu biết về công nghệ và sự gia tăng vị thế kinh tế xã hội.
Rào cản đối với sự phát triển kinh tế kỹ thuật số

Theo tờ ASEAN Post ngày 25/10, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi này sẽ được thúc đẩy nhờ lực lượng dân số trẻ ngày càng hiểu biết về công nghệ và sự gia tăng vị thế kinh tế xã hội một cách nhanh chóng.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN - một thuật ngữ chung cho tất cả các giao dịch kinh tế diễn ra trong môi trường trực tuyến - sẽ phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ tăng 6,4 lần từ mức 31 tỷ USD năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Phát triển Kỹ thuật số của Ngân hàng Thế giới (WB) bà Boutheina Guermazi, tiềm năng kinh tế kỹ thuật số ASEAN vẫn chưa được khai thác triệt để.

Lấy ví dụ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), hiện các MSME đang chiếm ít nhất 95% tổng số lượng cơ sở kinh doanh và hơn một nửa tổng số việc làm của ASEAN.

Bất chấp sức lan tỏa của các doanh nghiệp này, ERIA ước tính rằng các MSME mới chỉ đóng góp 30-53% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN và 10-30% lượng nhập khẩu của cả khối.

Bà Guermazi nhấn mạnh: “Mặc dù người dân ASEAN đã chấp nhận các dịch vụ kỹ thuật số, việc các doanh nghiệp và chính phủ vẫn chậm áp dụng, cùng với đó là các quy định thắt ‘nút cổ chai’ cùng sự thiếu tin tưởng vào các giao dịch điện tử đã kìm hãm sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật số”.

Dưới đây là một số rào cản đối với sự phát triển kinh tế kỹ thuật số của khu vực ASEAN:

* Khả năng kết nối và kỹ năng

Một báo cáo năm 2019 của WB có tiêu đề “Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á – Thúc đẩy các nền tảng cho tăng trưởng tương lai” đã xác định 6 lĩnh vực chính cần cải thiện để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN, trong đó mở rộng kết nối là mục đầu tiên trong chương trình nghị sự này.

Mặc dù một nửa dân số khu vực đang sử dụng Internet, ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, song tỷ lệ này có thể được nâng cao hơn nữa với các chính sách và hành động nhằm hạ giá, tăng tốc độ và đưa Internet băng thông rộng đáng tin cậy đến các khu vực chưa được phục vụ.

Ngoài ra, việc tăng cường kỹ năng kỹ thuật số cho 680 triệu người dân ASEAN sẽ đảm bảo mang lại các cơ hội và lợi ích cho tất cả mọi người. Mặc dù khu vực này có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao, các hệ thống giáo dục cần phải linh hoạt hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để vận hành trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Những kỹ năng này bao gồm từ kiến thức máy tính cơ bản đến các kỹ năng nâng cao như mã hóa và phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó, cái gọi là “kỹ năng mềm” như hợp tác và giao tiếp cũng rất cần thiết.

* Khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán kỹ thuật số đang gia tăng

Trong khi đó, mở rộng việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số - một nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số - là một ưu tiên khác.

Dữ liệu của WB cho thấy mới có 19% chủ tài khoản tài chính trong khu vực truy cập tài khoản của họ qua Internet, thấp hơn nhiều so với mức trung bình tại các nước có thu nhập trung bình trên thế giới và các nước khu vực phía Nam châu Phi với tỷ lệ lần lượt là 27% và 24%.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây khi cả thế giới phải ứng phó với đại dịch COVID-19, ngày càng có nhiều người phải ở nhà do lo sợ nhiễm virus và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của chính phủ.

Điều này đã khiến nhiều người lựa chọn ngân hàng kỹ thuật số và thanh toán tại nhà khi thực hiện các giao dịch mua bán.

Hồi đầu tháng Ba vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thậm chí còn khuyến cáo sử dụng các giao dịch không dùng tiền mặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Kết quả là giá trị các thanh toán không tiếp xúc đã tăng vọt giữa đại dịch.

Bên cạnh đó, Báo cáo thanh toán thế giới năm 2019 cũng dự báo rằng giá trị các giao dịch không dùng tiền mặt tại châu Á sẽ tăng từ mức 96,2 tỷ USD vào năm 2017 lên 352,8 tỷ USD vào năm 2022.

Với việc ngày càng có nhiều nhà cung ứng dịch vụ và thực phẩm cung cấp các lựa chọn không tiếp xúc, cùng với đó là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng COVID-19, nhu cầu thanh toán kỹ thuật số và thanh toán không tiếp xúc sẽ còn gia tăng hơn nữa.

* Logistics và chính sách

Lĩnh vực hậu cần (logistics) hiện vẫn là rào cản đối với thương mại điện tử và việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chi phí tiết kiệm, đáng tin cậy là một trong những thách thức lớn nhất của ngành này.

Trong khi đó, hoạt động giao hàng thương mại điện tử đang phải đối mặt với các thủ tục hải quan không thể đoán trước ở nhiều quốc gia và số liệu của WB cũng chỉ ra rằng hải quan đang là khâu yếu nhất trong lĩnh vực logistics của khu vực ASEAN.

Cuối cùng, các chính sách nhằm thúc đẩy niềm tin trong lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và bảo vệ người tiêu dùng cũng sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia của người dân vào nền kinh tế kỹ thuật số.

Hiện chưa tới một nửa các quốc gia thành viên ASEAN có luật bảo vệ dữ liệu toàn diện, trong khi năng lực bảo vệ dữ liệu của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế. Các chính sách cũng chưa được điều phối trên quy mô khu vực, khiến các cá nhân và doanh nghiệp khó nắm bắt quy định nào được áp dụng đối với các dữ liệu của mình.

Mặc dù các khuôn khổ như Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN đến năm 2025 đang góp phần giải quyết một số vấn đề nêu trên, song việc nghiên cứu, hoạch định chính sách tốt hơn và sự phối hợp tham gia của các nước trong khu vực sẽ giúp Đông Nam Á có vị thế tốt hơn nhằm khai thác triệt để tiềm năng kinh tế kỹ thuật số của mình.

Theo Bnews
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.