Nguyễn Huy Thiệp trút hơi thở cuối cùng lúc 16g30 chiều 20/3 - theo thông báo của người bạn già thân thiết "Bát Phố" Nguyễn Bảo Sinh, trong một chiều xuân u ám, mưa nặng hạt, miền Bắc vừa qua tiết Kinh trập.
Chưa bao giờ có một người tài năng chói loà, được yêu mến như thế, lại được người thân và người ngưỡng mộ, yêu quý mong cho được ra đi, được giải thoát như thế.
Ông bị "Trời hành" lâu quá, bắt chịu nhiều nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần quá. Có lẽ câu "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen" của Nguyễn Du ám vào Nguyễn Huy Thiệp là chính xác một cách đắng cay.
Một tài năng mạnh mẽ và áp đặt
Có lẽ, không cần phải nhắc lại về sự xuất hiện kỳ lạ và huy hoàng của Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn trong tròn một thập niên 1986-1995.
Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Muối của rừng, Con gái Thuỷ Thần, Không có vua, Sang Sông, Những bài học nông thôn, Huyền thoại phố phường, Giọt máu... những truyện ngắn mà chỉ cần gọi tên lên, đã mở ra cả một vùng trời của trí tưởng tượng phóng khoáng vô biên, của tình yêu đồng loại, trên một cái nền hiện thực ngổn ngang.
Bị văn tài cuồn cuộn của Nguyễn Huy Thiệp cuốn đi, độc giả sung sướng nhận ra mình có một tình yêu hoá ra không quá nhạt nhẽo với tiếng Việt và mảnh đất chôn nhau cắt rốn, còn các học giả cúi đầu giương mục kỉnh tầm chương trích cú trong một thoáng quên mất Huyền Thoại phố phường chính là cốt truyện Con Đầm Píc, Không có Vua mượn một cách thản nhiên và đầy biến ảo Anh em Karamazov, trong khi rất nhiều truyện ngắn khác cố tình mang một giọng văn giả Tàu trong những câu chuyện rất Tây. Họ chỉ bình tĩnh lại khi bị Nguyễn Huy Thiệp cuốn đi rất rất xa, khi ông để nhân vật buông ra những triết lý cố tình sống sượng nhưng lại đúng như một tiên đề, không thể tranh cãi
"Chú không chống nổi sự ngu dốt của bọn có học đâu. Tôi đây này, tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. (Những bài học Nông thôn)
Thế giới của Nguyễn Huy Thiệp mở ra mênh mông từ những thung lũng hoang vu miền sơn cước "Những ngọn gió Hua Tát", "Muối của Rừng", đến những ngọn sóng bên kia đại dương "Con gái Thuỷ Thần", "Chuyện tình kể trong đêm mưa", từ trong những định kiến của lịch sử - bộ ba "Vàng Lửa, Phẩm tiết, Kiếm sắc" đến những nhốn nháo mưu sinh thường nhật ở Kẻ Chợ vỉa hè cuối thế kỷ 20 (Huyền thoại phố phường, Không có Vua), từ một mái tranh nghèo dưới cây nhội gai phơ phất mưa xuân có hai mẹ con người đàn bà cô quả đang tựa vào nhau sống nhẫn nại nhưng ngoan cường (Đời thế mà vui) đến dinh cơ tuổi già nơi ông tướng về hưu đang sống nốt những ngày cuối trong sự hoang mang đầy bỡ ngỡ với đời thường, giữa những người thân mà hơn 70 tuổi ông mới bắt đầu khám phá (Tướng về hưu)...
Hơn 40 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, ra đời đều đặn trong khoảng 10 năm, giờ đây, với độ lùi thời gian, có thể nói mà không hề sợ quá lời, đều gần như là kiệt tác, kiệt tác của một thiên tài cô đơn.
Nếu tính số ngôn ngữ mà tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra trên thế giới (hơn 20 thứ tiếng), cũng như số lượng công trình nghiên cứu, luận án, bài báo, bài tham luận khoa học,các cuộc toạ đàm, bút chiến... về tác phẩm, văn đàn Việt Nam hiện đại không nhà văn nào có thể so với Nguyễn Huy Thiệp
Nhưng đó vẫn chưa phải là chỉ dấu của một thiên tài. Nguyễn Huy Thiệp cao hơn và cô đơn đứng một mình, còn vì đọc văn ông, ai cũng bị hút vào, dù yêu hay ghét, dù sao đó cố ý hay vô thức bắt chước, hoặc ngược lại viết những bài phê bình đao búa hay biên những tiểu phẩm giễu nhại, tất cả đều nằm trong một "trường ảnh hưởng" Nguyễn Huy Thiệp, chúng ở ngoài , không chạm vào tác phẩm, chúng khiến Nguyễn Huy Thiệp được nhân bản, được nhìn qua nhiều lăng kính, chúng "huyền thoại hoá" cả Thiệp lẫn văn ông, nhưng không phải là ông . Ông đã "trốn" đi đâu đó rồi, chỉ còn lại hình hài nhà văn, quê mùa, hiền lành và nhẫn nhịn ngồi đó, trong quán ăn mang tên ông, trong phòng tranh mang tên ông, trong những buổi toạ đàm đầy tính salon về những tác phẩm gai góc đến sắc ngọt đau đớn của ông.
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen
"Tôi xin nhắc lại: nghề văn là một nghề thổ tả! Ðể viết thật chân thực anh phải giày vò, anh phải đớn đau. Cả tình yêu của một người đàn bà, lẫn tiếng tăm, tiền bạc cũng không thể an ủi anh được, chẳng như hồi mới viết tôi cứ ngây thơ tưởng vậy. Nhưng đó là số phận của tôi".
Nguyễn Huy Thiệp nói thế trong buổi giao lưu tại nhà sách Le Phénix, Paris 10/4/2002.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trả lời phỏng vấn tại Đại hội Nhà văn năm 1995. |
Trả lời phỏng vấn riêng của nhà thơ Phạm Tường Vân, Nguyễn Huy Thiệp nói: "Viết văn là đạo, đó là một con đường khốc liệt. Để được, thì phải mất. Điều kinh khủng là nhiều khi cái giá phải trả ấy lại không rơi vào mình mà người hứng chịu là người thân của mình. Có những thứ không thể nói ra được. Nhưng quá đắng cay...".
Những đắng cay mà Nguyễn Huy Thiệp phải trải như một sự ngã giá với thiên tài mà ông được Trời ban, dù ông không thể trải lòng, chỉ có thể gửi gắm phần nhỏ qua tiểu thuyết đầy khiên cưỡng và tội nghiệp "Tuổi hai mươi yêu dấu", đã bị truyền thông khai thác đến quá mức mấy năm qua chỉ khiến cho sự đau đớn trở nên tê dại. Đau quá thì không còn biết đau nữa.
Ông đau, người thân đau. Nhưng độc giả thì được thật nhiều. Bỏ qua kịch gượng ép và tiểu thuyết vụng về khiên cưỡng, bỏ qua những tranh và gốm mang tính kỷ niệm, hội hè, chỉ với 40 truyện ngắn đã công bố của Nguyễn Huy Thiệp, văn đàn Việt Nam thế kỷ 20 có thể tự hào vì ông, ngọn núi sừng sững cô đơn, đợi những cơn gió hoang vu thổi ngược lên từ thung lũng Hua Tát, hay tiếng hát vọng về từ rất xa, rất xưa, thời Nguyễn Du phong phanh áo mỏng thất thần giữa phố phường Thăng Long.
Lạ nữa và cuốn hút mạnh nữa là văn của ông, đọc lần đầu thì có vẻ phũ và nghiệt, đọc lại vẫn thấy lạnh, nhưng càng đọc càng thấy ấm áp và nhân hậu. Ông yêu con người, đặc biệt là phụ nữ. Có lẽ vì ông cũng đã nhận đủ yêu thương từ con người, nên ông nhìn mọi sinh linh đều đáng sống, từ con khỉ trong Muối của Rừng đến lão Kiền trong Không có vua, mọi người phụ nữ đều đẹp và nồng nàn, từ nàng Vinh Hoa toả mùi hoa sữa đến cô Sinh về làm dâu nhà có 6 đực rựa. Nguyễn Huy Thiệp không tả lớp người "dưới đáy" kiểu nhìn xuống, nhìn ngang hay nhìn lên. Ông là một phần của cuộc sống ấy.
Bắt đầu viết từ năm 36 tuổi, ngưng ở tuổi 50, 21 đầu sách in tại Pháp và nhiều không nhớ hết ở các ngôn ngữ khác: Đức, Ý, Anh, Nhật, Hàn... Một đời văn như vậy cũng là khát khao của biết bao người. Nhưng hỏi họ liệu có dám đổi những đắng cay của ông thì chắc là không ai dám.