Giới nghiên cứu nhận định quá trình đô thị hóa các khu vực tự nhiên góp phần dẫn tới sự xuất hiện của những bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, bao gồm COVID-19, dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ dơi trước khi lây sang người qua vật chủ trung gian. Lapola, chuyên gia nghiên cứu cách hoạt động của con người tái định hình hệ sinh thái rừng nhiệt đới trong tương lai, cho biết quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở Amazon. Ông nhấn mạnh rừng Amazon là nguồn dự trữ virus khổng lồ, do đó, con người không nên mạo hiểm.
Amazon, rừng mưa lớn nhất thế giới, đang biến mất ở tốc độ đáng báo động. Năm ngoái, nạn chặt phá rừng ở rừng Amazon tại Brazil tăng 85%, lên tới hơn 10.000 km2, gần bằng diện tích Lebanon. Xu hướng này đang tiếp diễn trong năm nay. Từ tháng 1 đến tháng 4/2020, 1.202 km2 rừng bị xóa sổ, thiết lập kỷ lục mới cho 4 tháng đầu năm, theo dữ liệu dựa trên ảnh vệ tinh từ Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE). Theo Lapola, tiến sĩ về mô hình hệ thống Trái Đất ở Viện Max Planck của Đức kiêm nhà nghiên cứu ở Đại học Campinas tại Brazil, khi con người tạo ra sự mất cân bằng sinh thái, đó là lúc virus có thể lây từ động vật sang người.
Mô hình tương tự từng xảy ra với virus HIV, Ebola và sốt xuất huyết. Tất cả virus xuất hiện hoặc lan truyền trên quy mô lớn do sự mất cân bằng sinh thái, Lapola nhấn mạnh. Phần lớn dịch bệnh bùng phát tập trung ở Nam Á và châu Phi thường liên quan tới loài dơi nào đó. Nhưng sự đa dạng sinh thái đồ sộ ở rừng Amazon có thể biến khu vực này thành "nguồn virus Corona lớn nhất thế giới".