Kể từ khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhậm chức, các biện pháp của chính phủ Brazil nhằm hạn chế các đám cháy rừng tỏ ra thiếu hiệu quả.
Hầu hết các đám cháy ở Amazon là do những công ty khai thác gỗ và những trang trại chăn nuôi chặt phá rừng để có đất chăn thả gia súc.
Dữ liệu sơ bộ do Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE) cho biết đã có tổng cộng 29.307 vụ hỏa hoạn xảy ra tại rừng Amazon vào tháng 8 vừa qua.
Albert Setzer, nhà khoa học cấp cao của INPE, cho biết con số các vụ hỏa hoạn trong tháng 8 năm nay tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Càng có nhiều đám cháy, rừng nhiệt đới càng nhanh chóng bị biến thành đồng cỏ cho gia súc hoặc đất cảnh tác. Theo nghiên cứu từ tổ chức phi chính phủ MapBiomas, 95% diện tích rừng bị phá ở Brazil vào năm 2019 đều là hoạt động bất hợp pháp.
Điểm cực hạn
Theo Carlos Nobre, một trong những nhà khoa học và nhà nghiên cứu về khí hậu hàng đầu của Brazil, cho biết nếu cháy rừng tràn lan tiếp tục diễn ra, rừng Amazon sẽ tới điểm cực hạn, khi những khu vực rộng lớn của rừng nhiệt đới sẽ không còn có thể tạo ra đủ lượng mưa để duy trì sự sống cho chính nó.
"Một khi điều đó xảy ra, rừng nhiệt đới sẽ bắt đầu chết, cuối cùng biến thành thảo nguyên và đồng cỏ", ông Nobre nói.
Các nhà khoa học cho biết rừng Amazon đóng vai trò như một "máy điều hòa nhiệt độ" cho Trái đất, ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa toàn cầu.
Rừng Amazon khỏe mạnh sẽ hấp thụ khí carbon dioxide, trong khi hỏa hoạn thì ngược lại, giải phóng một lượng lớn carbon dioxide vào bầu khí quyển. |
Nạn phá rừng Amazon của Brazil đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019 và các nhà môi trường cáo buộc nhà lãnh đạo này khuyến khích việc chặt phá rừng vì mục đích kinh tế.
Áp lực từ các nhà đầu tư và công ty quốc tế trong mùa hè này đã khiến Tổng thống Brazil phải ban hành lệnh cấm đốt rừng kéo dài 120 ngày vào ngày 15/7.
Tuy nhiên, dữ liệu của INPE cho thấy lệnh cấm đã hoàn toàn bị bỏ qua. Từ ngày 15/7 đến cuối tháng 8, số lượng các đám cháy ở Amazon vẫn không suy giảm (khoảng 35.000 đám cháy).
Biên giới cuối cùng
Bang Amazonas của Brazil là một trong những biên giới cuối cùng của cuộc chiến bảo vệ rừng, đây lànơi hầu hết các khu rừng vẫn được bảo tồn. Nhưng ngay cả ở đây, hoạt động của lâm tặc và chủ trang trại vẫn ngang nhiên diễn ra.
Việc mở rộng nông nghiệp mất kiểm soát đã thúc đẩy các hộ nông dân và chủ trang trại nhỏ lẻ địa phương phá rừng nhiều hơn mỗi năm.
"Những vùng đất gần các trục đường chính tập trung đã bị các chủ đất lớn thâu tóm, vì vậy những chủ đất còn lại bị đẩy vào các khu rừng sâu hơn, họ buộc phải chặt phá, đốt rừng để làm đất canh tác", ông Rômulo Batista, nhà vận động của tổ chức Hòa bình xanh, cho biết.
Theo ông Nobre, một triệu chứng của việc phá rừng đang gia tăng là mùa khô kéo dài hơn. Hiện tượng này ban đầu sẽ xảy ra ở Brazil và các nơi khác ở Nam Mỹ, vì Amazon tạo ra một phần lớn lượng mưa cho phần còn lại của đất nước, và cuối cùng ảnh hưởng đến các trận mưa ở các nước láng giềng Paraguay, Uruguay và Argentina.
Ngay cả người nông dân và chủ trang trại rồi cũng sẽ hứng chịu hậu quả.
"Tình trạng phá rừng này sẽ dẫn đến giảm lượng mưa, đặc biệt là ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp, vốn đang khiến nạn phá rừng thêm trầm trọng", vị chuyên gia nói.
Nếu một ngày nào đó Amazon biến mất hoàn toàn, lượng mưa trung bình của Brazil sẽ giảm tới 25%, theo dự đoán của một mô hình do các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton xây dựng.
Nobre dự đoán rằng thời điểm Amazon sẽ đạt tới điểm cực hạn khi mất đi khoảng 20-25%. Cho đến nay, rừng Amazon đã mất đi 17% diện tích ban đầu.
“Thật khó để nói khi nào nó sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi thấy rằng nó đang đến nhanh hơn chúng tôi dự đoán", theo ông Nobre.