Theo các nhà khoa học, việc không thể có con số thống kê chính xác cho thấy tình trạng đang ngày càng đáng báo động và dư luận không ý thức được tính nghiêm trọng của nạn buôn bán động vật hoang dã.
"Các số liệu rất phân tán", Sandra Charity - tác giả chính của báo cáo, chỉ ra. "Việc đại dịch COVID-19 bùng phát từ động vật hoang dã cho thấy việc kiểm soát nạn buôn bán quan trọng tới thế nào".
Một nhân viên của Viện Môi trường và Tài nguyên tái tạo Brazil cho biết đã có tổng cộng 72.000 trường hợp động vật hoang dã bị buôn bán trên khắp Brazil vào năm 2018.
"Những kẻ săn trộm không ngần ngại ra tay bởi luật pháp hiện hành không coi buôn bán động vật hoang dã là một tội nghiêm trọng", người này cho biết.
Brazil là nơi sinh sống của 60% quần xã sinh vật Amazon và 13% số lượng động, thực vật trên thế giới, với 117.000 loài động vật và 46.000 loài thực vật. Nước này hiện có 1.173 loài có nguy cơ tuyệt chủng tính đến năm 2018, một trong những nguyên nhân chính là do nạn buôn bán trái phép.
Các loài sinh vật như rùa và cá sông thường bị săn bắt để lấy trứng và thịt, nhiều loài cá nhỏ sặc sỡ bị bắt làm vật nuôi trong các bể cá.
Ngoài ra, loài báo trong rừng rậm Amazon cũng đang bị săn lùng ráo riết do nhu cầu về da cực kỳ lớn từ thị trường châu Á.
Loài chim bị săn nhiều nhất ở Brazil là chim sẻ nghệ tây - thường được giữ làm vật nuôi trong nhiều gia đình Brazil.
"Việc buôn bán chim tập trung ở các cộng đồng kém phát triển gần các khu vực bảo tồn", Marco Freitas, một quan chức của cơ quan môi trường ICMBio, cho biết.