Đám cháy đang bùng phát ở mức cao nhất kể từ khi trung tâm nghiên cứu vũ trụ của đất nước - Viện nghiên cứu không gian quốc gia (INPE), bắt đầu theo dõi các hiện tượng cháy rừng vào năm 2013, trung tâm cho biết hôm thứ Ba.
Đã có tổng cộng 72.843 vụ cháy ở Brasil trong năm nay, với hơn một nửa ở khu vực Amazon, INPE cho biết. Đây là mức tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Amazon thường được gọi là phổi của hành tinh, tạo ra 20% oxy trong khí quyển Trái đất, đây cũng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn loài động vật và thực vật.
Khói bụi che cả bầu trời Sao Paolo. Ảnh: Twitter |
Những hình ảnh và video gây sốc trên các phương tiện truyền thông cho thấy những đám khói khổng lồ bốc lên từ thảm thực vật xanh lá, cùng với đó là màu đen khi ngọn lửa quét qua.
Khói đã lan tới thành phố Sao Paolo, cách các đám cháy rừng hơn 2.700 cây số. Hình ảnh từ thành phố cho thấy bầu trời tối đen như mực vào giữa buổi chiều, còn mặt trời bị che phủ bởi khói và tro bụi.
Vệ tinh của Liên minh châu Âu - Copernicus, đã ghi nhận một bản đồ cho thấy khói từ các đám cháy lan khắp Brasil đến bờ biển phía đông của Đại Tây Dương. Khói bụi đã bao phủ gần một nửa toàn bộ Brasil và thậm chí còn tràn sang các nước láng giềng Peru, Bolivia và Paraguay.
Ảnh vệ tinh cho thấy diện tích đám cháy. Ảnh: Twitter |
Amazon bao phủ một số quốc gia Nam Mỹ, nhưng khoảng 2/3 diện tích của khu rừng nằm trọn trong lãnh thổ Brasil.
Theo INPE, mỗi phút có khoảng 10.000 km2 diện tích rừng bị phá hủy do hỏa hoạn.
Các nhóm môi trường Brasil từ lâu đã vận động các nhà chức trách để cứu Amazon, cũng như đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro, vì đã gây nguy hiểm cho khu rừng này. Họ cáo buộc ông Bolsonaro kiểm soát môi trường trong nước và khuyến khích nạn phá rừng.
Chính sách môi trường của chính quyền Bolsonaro đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Ông đã thực hiện chiến dịch sẽ khôi phục nền kinh tế của đất nước bằng cách khám phá tiềm năng kinh tế của Amazon.
Chỉ vài tuần trước, giám đốc của INPE đã bị sa thải sau cuộc tranh cãi vã với Tổng thống, vị này đã cảnh báo về dữ liệu vệ tinh cho thấy nạn phá rừng cao hơn 88% vào tháng 6 so với một năm trước đó và Bolsonaro gọi phát hiện này là "lời nói dối".
Bolsonaro cũng chỉ trích các cảnh báo phá rừng của cơ quan này là có hại cho các cuộc đàm phán thương mại, theo hãng tin Agencia Brasil.
Lập trường ủng hộ doanh nghiệp của ông Bolsonaro có thể đã thúc đẩy các nhà khai thác gỗ, nông dân và thợ mỏ giành quyền kiểm soát rừng Amazon, ông Carlos Rittl, thư ký điều hành của tổ chức phi lợi nhuận môi trường Observatorio do Clima, cho biết.
Vào tháng 7, tổ chức Greenpeace đã gọi Bolsonaro và chính phủ của ông là "mối đe dọa đối với trạng thái cân bằng khí hậu" và cảnh báo rằng về lâu dài, các chính sách của Brasil sẽ chịu "chi phí lớn" cho nền kinh tế đất nước.
Các nhà hoạt động môi trường và các tổ chức như Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) cảnh báo rằng nếu Amazon bị tàn phá tới mức độ không thể khắc phục, rừng nhiệt đới này có thể trở thành thảo nguyên khô, không còn cung cấp chỗ trú ẩn cho các loài động vật. Nếu điều này xảy ra, thay vì là một nguồn cung cấp oxy, nó có thể bắt đầu thải ra carbon - nguyên nhân chính của hiện tượng biến đổi khí hậu.