Sáng 25/7, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Đoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh (Bình Định) cho biết, hiện lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường lực lượng, cắt rừng tạo đường băng cản lửa.
Trước đó khoảng 12 giờ ngày 24/7, tại tiểu khu 357, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh, Bình Định), khu vực quy hoạch chức năng rừng phòng hộ bất ngờ phát cháy.
Nhận được tin báo, UBND huyện Vân Canh đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, lực lượng dân quân tự vệ các xã lân cận cùng lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ tiếp cận khu vực cháy, dồn sức dập lửa.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày qua cộng với gió Nam thổi mạnh, đảo chiều liên tục, địa hình vụ cháy lại ở đèo dốc, khiến việc triển khai các thiết bị chữa cháy của các lực lượng chức năng rất khó khăn.
Cùng với đó, thảm thực bì dày cũng khiến đám cháy nhanh chóng lan rộng. Đến 8 giờ ngày 25/7, ngọn lửa vẫn bùng phát dữ dội.
Theo ông Đoàn Văn Tây, ước tính khoảng 10 ha rừng phòng hộ (rừng tự nhiên, cây bụi) đã bị cháy rụi. Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được xác định.
Cháy núi Bà Hỏa vào đêm 12.7. - Ảnh: Báo Lao Động |
Trước tình hình cháy rừng diễn ra phức tạp, báo Lao Động đưa tin, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã có văn bản chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Phó Chỉ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, giám sát việc đốt xử lý thực bì của người dân; tổ chức cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân ký cam kết thực hiện đúng quy định về phòng cháy chữa cháy rừng khi đốt xử lý thực bì.
Đồng thời, theo dõi, cập nhật kịp thời cấp dự báo cháy rừng để thông tin đến người dân. Kiên quyết xử lý chủ rừng đốt xử lý thực bì không đúng quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy rừng hoặc chưa có Phương án phòng cháy chữa cháy rừng phòng cháy chữa cháy rừng và không báo cáo khi đốt thực bì.
Sở NNPTNT chỉ đạo các hạt kiểm lâm chủ động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; hàng ngày phải theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang web của Chi cục Kiểm lâm để thông tin đến kiểm lâm địa bàn.
"Địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Ngoài ra, địa phương nào để xảy ra cháy rừng thì Hạt trưởng chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.