Đáng nói, điều này đang khiến gần 100 công nhân của Công ty TNHH Viet-Hsiang sản (Công ty Viet-Hsiang) bị buộc thôi việc do công ty này bị dừng hoạt động xi mạ trong 9 tháng. Còn lãnh đạo Công ty Viet-Hsiang thì đặt câu hỏi: “Mười mấy năm qua chúng tôi đóng tiền xử lý thải ngành xi mạ, giờ họ nói không có hệ thống xử lý xi mạ thì nước thải này đi đâu?”.
Bị đối tác xử lý nước thải “phản kèo”?
Tiền thân của Công ty Viet-Hsiang là Công ty TNHH Piing Heh, bắt đầu hoạt động năm 2001. Năm 2002, công ty được cấp Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường số 1309/BĐK-KHCNMT cho ngành nghề sản xuất và gia công sản phẩm trang trí nội thất bằng nguyên liệu sắt, kẽm, đồng, nhựa, poly, mây tre, gỗ.
Ngày 30/05/2003, công ty được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép đầu tư điều chỉnh bổ sung thêm ngành nghề “Gia công xi mạ và gia công đúc các sản phẩm trang trí nội thất bằng kim loại”.
Sau đó 3 lần cấp giấy Chứng nhận đầu tư điều chỉnh tháng 3/2009, 7/2012 và 5/2013 do Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai cấp điều có ghi: Gia công xi mạ, gia công đúc các sản phẩm trang trí nội thất bằng kim loại.
Từ đó công ty hoạt động ổn định với hơn 140 công nhân, đến ngày 9/6/2020, Công ty Viet-Hsiang đã bị Sở TNMT tỉnh Đồng Nai phạt hành chính 2 lỗi về xả thải ra môi trường, trong đó có lỗi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường cho các ngành nghề mà công ty đang hoạt động sản xuất, tổng mức phạt tiền 105 triệu đồng và phải dừng hoạt động xi mạ trong 9 tháng để khắc phục.
Ông Weng Ming Wei - Phó Tổng giám đốc Công ty Viet-Hsiang, cho biết: “Chúng tôi gửi đơn không đồng ý việc phạt hành chính và nội dung khắc phục hậu quả lên sở, và được Sở TNMT gửi công văn 1498/STNMT-CCBVMT ngày 11/03/2020 cho công ty, kèm thông tin là công văn ngày 9/2/2003 của Sở Khoa học, công nghệ và môi trường Đồng Nai đề nghị Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai yêu cầu công ty phải bổ sung ngành nghề xi mạ vào Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường số 1309/BĐK-KHCNMT trước khi đi vào hoạt động”.
Tuy nhiên, theo ông Weng Ming Wei, công ty ông đã không nhận được công văn nào của Sở KH&ĐT nên đã không làm thủ tục bổ sung ngành xi mạ, dù công ty ông có hệ thống xử lý thải tốt và có hợp đồng trong đóng phí cho Khu xử lý nước thải tập trung của Công ty Thống Nhất từ khi hoạt động tới nay.
“Rõ ràng trong các quyết định cho lập công ty và sửa đổi bổ sung đều ghi sản xuất và xi mạ, vậy mà bây giờ khi biết sẽ thanh tra nghiêm ngặt nên đổ lỗi cho công ty tôi và nói họ không có chức năng xử lý thải xi mạ” - ông Weng Ming Wei bức xúc.
Ông Weng Ming Wei (bìa phải) đang trao đổi bức xúc về vụ việc. Ảnh: Xuân Thời |
Cũng theo ông Weng Ming Wei, công ty ông đã làm đơn kêu cứu lên UBND tỉnh Đồng Nai nhưng chưa có phản hồi. Trong khi đó, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai gửi cho công ty ông bản báo cáo 2062/KCNĐN-ĐT ngày 15/7, có nội dung sẽ bổ sung hệ thống xử lý thải xi mạ, nhưng công ty ông phải trả tiền chi phí cả chục tỷ đồng.
Trong báo cáo 2062 ghi: “Hồ sơ báo cáo ĐTM của Khu Công nghiệp đã được Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 1293/QĐ-BTNMT ngày 29/8/2007 không có các ngành nghề trên.
Ông Weng Ming Wei nói tiếp: “Vậy mười mấy năm qua chúng tôi đóng tiền xử lý thải của công ty đã đăng ký ngành xi mạ, mà bên khu xử lý nước thải không có hệ thống xử lý xi mạ, vậy thì nước thải này đi đâu? Mong UBND tỉnh cho xem xét lại đúng quy trình để công ty chúng tôi hoạt động tốt và công nhân không nghỉ việc!”.
Cho gần 100 công nhân nghỉ việc
Trước đó, Ngày Nay nhận được phản ánh từ hàng chục công nhân Công ty Viet-Hsiang khi họ nhận được quyết định cho nghỉ việc của công ty này, thời điểm hàng chục công nhân sẽ nghỉ việc là sau thông báo 45 ngày, kể từ ngày 11/7/2020.
Trong thông báo có nội dung do Công ty Thống Nhất, đồng thời là chủ đầu tư của Khu Công nghiệp Bàu Xéo đã ký hợp đồng xử lý nước thải với Công ty Viet-Hsiang từ ngày 04/10/2011 đến năm nay, tuy nhiên căn cứ vào công văn 113/CPTN-QLMT thì nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu Công nghiệp Bàu Xéo không có công đoạn xử lý nước thải ngành xi mạ.
Vì lý do bảo vệ môi trường, nên công ty tạm thời ngưng hoạt động sản xuất xi mạ.
Do phải dừng các quy mô sản xuất nên công ty phải buộc cho gần 100 công nhân nghỉ việc, đẩy công nhân vào cuộc sống khó khăn, còn doanh nghiệp sau thiệt hại do dịch Covid-19, nay gặp thêm sự cố này, phải đứng bên bờ vực phá sản.