Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Văn Tài, Quyền vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, có 5 bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn của lớp 1 được đăng ký để Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Theo đó, trong tháng 10 tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố những bộ sách được thẩm định.
SGK được hội đồng quốc gia thẩm định theo 3 mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”. Những bộ sách được đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” có thể mang về sửa chữa, bổ sung và đề nghị Bộ GD&ĐT thành lập hội đồng thẩm định để thẩm định lại.
Và bộ SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bao gồm các môn: Tiếng Việt, Toán bị chấm “Không đạt” trong đợt thẩm định vừa qua.
Theo thông tin PV có được, Hội đồng thẩm định đánh giá bộ sách được tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng. Nội dung, hình thức phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung sách cũng được Hội đồng thẩm định đánh giá đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.
Tuy nhiên, SGK Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của GS bị 15/15 thành viên hội đồng đánh giá “Không đạt”vì có tới gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ. Nhiều nội dung trong đó, các thành viên cho rằng, “vượt chương trình” hoặc “quá khó so với học sinh lớp 1”.
SGK Toán 1 – Công nghệ giáo dục cũng bị các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá có nhiều nội dung không nằm trong chương trình GDPT mới.
Ví dụ, GS Hồ Ngọc Đại đưa các câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam vào các chân trang để học sinh học và ghi nhớ Tiếng Việt qua thành ngữ, tục ngữ đều bị các thành viên hội đồng đề nghị bỏ vì không phù hợp với học sinh lớp 1.
Trước thông tin bộ sách công phu bị loại bỏ, GS Hồ Ngọc Đại và nhóm biên soạn cho rằng, đánh giá của hội đồng chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học.
Trước đó, bộ sách Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng 900.000 học sinh theo học. Vì thế, việc SGK lớp 1 – Công nghệ giáo dục, trong đó có Tiếng Việt không vượt qua vòng thẩm định lần này để đưa vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020-2021 có thể dẫn đến một số khó khăn trong việc dạy và học cho các trường đang áp dụng.