Tôi đứng rất lâu trước chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), thỉnh thoảng bắt mấy câu chuyện với người đàn ông chạy xe ôm, cũng đang đứng trước chợ như tôi. Ông tên Nam, người bên huyện Cần Giờ sang. Cũng giống như ông Dũng chạy xe ôm mà tôi gặp ở chợ Bến Thành (quận 1) ngày hôm qua, công việc của ông Nam chủ yếu là nhận và giao đồ cho những mối quen.
“Dịch thế này, công việc của chú bị ảnh hưởng nhiều không?” - tôi hỏi câu máy móc. Vậy mà ông Nam đáp lời ngay: “Có chứ”. Những ngày dịch bệnh, khiến thu nhập của ông giảm đi khoảng 70% so với ngày thường. Cũng phải thôi, cái chợ Bà Chiểu ngày thường nhộn nhịp, nay dịch bệnh đã trở nên thưa người như thế, thì những người chạy xe ôm như ông Nam giảm nguồn thu là đúng rồi.
Sau đó, tôi chạy sang quận Phú Nhuận, đứng từ xa quan sát một nhóm tài xế xe ôm công nghệ. Nhìn những chiếc giỏ kèm theo, tôi đoan chắc họ thực hiện công việc giao đồ ăn. Đó là một công việc mà trong những ngày dịch bệnh, khối lượng công việc trở nên nhiều hơn. Ban sáng, tôi đọc báo thấy chính quyền TP.Hồ Chí Minh lên phương án lập danh sách để kiểm soát những người này. Thật ra là để nhằm mục đích kiểm soát dịch bệnh.
Một số xe ôm công nghệ đợi “nhận việc”. - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
“Sẽ là hơi bất tiện một chút, mất thì giờ một chút nhưng không sao, vì mình đang chống dịch bệnh mà” - một nam tài xế tên Liêm nói với tôi như vậy. Và trong lúc tôi đang tỏ vẻ đồng ý, Liêm tiếp tục: “Dẫu sao thì bọn em còn kiếm tiền được trong mấy ngày dịch bệnh như thế này, là còn mừng à anh”.
Tôi không thể không đồng tình với Liêm điều đó.
Đường phố tiếp diễn dáng hình thưa vắng.
Những phận người tiếp tục phần việc của mình, tất nhiên là phải đảm bảo phòng chống dịch, để kiếm tiền. Kiếm tiền ngày thường đã cực, ngày dịch bệnh càng trần ai hơn. Nhưng biết sao được, mỗi người không bớt một ít nhu cầu, không san sẻ với nhau một ít về chống dịch, thì nếu chẳng may dịch bệnh vượt tầm kiểm soát thì đầu óc chỉ còn thường trực một nỗi lo: là làm sao sống sót, chứ nghĩ chi chuyện kiếm tiền nữa!
Đường xá tiếp diễn sự vắng vẻ. - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Đó cũng là cách đồng lòng, để chính quyền thành phố có thêm tinh thần, an tâm triển khai thêm những phương án chống dịch. Ban sáng, tôi đọc được thông tin ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh vừa ký quyết định lập 62 chốt, trạm kiểm tra để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 thêm chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Song song với đẩy mạnh kiểm soát xe cộ, thành phố cũng cho đặt 200 chiếc taxi tại 33 bệnh viện dể phục vụ miễn phí người bệnh (không phải vì dịch) sau khi xuất viện nhưng không thể đi xe máy, và gia đình không có ô tô để di chuyển. Tất nhiên, 200 chiếc taxi đó phải đảm bảo về mặt y tế phòng chống dịch.
Sài Gòn, bước sang ngày thứ 4 thực hiện cách li xã hội, mọi thứ có vẻ đang dần bớt đi xáo trộn. Chỉ buồn là, khi xe cộ ngoài đường bớt đi, đường xá trở nên thông thoáng, thì tai nạn giao thông lại tăng!