Cuộc khảo sát được tham gia bởi hơn 1.300 chuyên gia, nhà phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á cho thấy 39% trong số họ đã lựa chọn thương hiệu Hàn Quốc.
Cụ thể, 1/4 số người được hỏi cho biết họ có niềm tin vào các công ty viễn thông Trung Quốc bao gồm Datang Telecom, Huawei và ZTE Corp, trong khi chỉ có 13% coi các thương hiệu Mỹ là lựa chọn hàng đầu của họ.
Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, đơn vị tiến hành khảo sát, cho biết "cuộc chiến" để xây dựng hệ thống 5G trong khu vực Đông Nam Á không chỉ nhắm vào các bản hợp đồng thương mại béo bở.
Do tầm ảnh hưởng của mạng 5G đối với an ninh của một quốc gia, việc cạnh tranh hợp đồng có thể coi là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các quốc gia cung cấp mạng.
Bà Ang Swee Hoon, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, tin rằng xu hướng lựa chọn Samsung là do các quan niệm "hài hòa" của Hàn Quốc.
"Hàn Quốc có sự cân bằng giữa giải trí và khoa học. Một mặt, họ có các ban nhạc, diễn viên và phim truyền hình, mặc khác họ có Samsung, LG, Huyndai, Kia. Các thương hiệu Hàn Quốc có trí tuệ và trái tim. Ngược lại, các thương hiệu công nghệ Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được mối liên hệ tình cảm mạnh mẽ với người tiêu dùng. Hơn nữa, những lo ngại về bảo mật và an ninh không giúp củng cố niềm tin của họ", bà Ang cho biết.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á cảm thấy các thương hiệu Mỹ mang tính "độc đoán và thiên Mỹ", tình hình chính trị và kinh tế hiện nay mang lại cho họ ấn tượng rằng Mỹ là một kẻ bắt nạt, theo phó giáo sư Ang.
"Điều này vốn không tốt cho một thế hệ phát triển độc lập và không muốn bị điều khiển", bà Ang nói.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã đàn áp các thương hiệu công nghệ Trung Quốc như Huawei, khẳng định rằng "gã khổng lồ viễn thông" có thể làm điệp viên cho Bắc Kinh thông qua các sản phẩm công nghệ.
Mặc dù Mỹ đã vận động các nước đồng minh tuân theo lệnh cấm để ngăn chặn sự tiếp cận của các "đại gia công nghệ" Trung Quốc với hệ thống mạng 5G. Dù Nhật Bản đã ngăn cả Huawei và ZTE giành được bất kỳ hợp đồng nào của chính phủ, Huawei vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các quốc gia Đông Nam Á.
Đầu tháng này, hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Maxis của Malaysia để hợp tác trong các dự án liên quan đến 4G và 5G. Ngoài ra, Huawei đã ký thỏa thuận với các thành phố quốc tế như London, Seoul và Tokyo liên quan đến cùng một dự án công nghệ, được gọi là TechCity.
Singapore cũng không bác bỏ ý tưởng mạng 5G được xây dựng bởi một thương hiệu Trung Quốc.
Khi triển khai kế hoạch 40 triệu đô la Singapore (29,7 triệu đô la Mỹ) để nghiên cứu mạng 5G vào tháng 6 năm ngoái, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Iswaran cho biết nước này sẽ có các yêu cầu bảo mật buộc các nhà cung cấp phải tuân thủ.