Sáng kiến "Một Vành đai, Một Đường" do ông Tập trình bày vào năm 2013, dự kiến liên kết Trung Quốc với Châu Phi, Châu Á và Châu Âu thông qua mạng lưới các cảng, đường sắt, đường bộ và khu công nghiệp.
Ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, coi việc phát triển cơ sở hạ tầng là trọng tâm cho mục tiêu mở rộng kinh tế và địa chính trị của Bắc kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Sáng kiến được ghi nhận trong Hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại cuộc họp quan trọng vào tháng trước, một số ước tính cho biết đã có hơn 1 nghìn tỷ USD được cam kết với dự án này tại 65 quốc gia.
Nhưng trên thực tế nó đã gặp phải một số vấn đề. Các dự án được triển khai phải đi qua các khu vực nổi dậy, nơi chịu ảnh hưởng của chế độ độc tài và các chế độ dân chủ hỗn loạn, cũng như phải đối mặt với nhiều bất lợi từ cả các chính trị gia tham nhũng lẫn người dân địa phương.
Murray Hiebert, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước khu vực Đông Nam Á rất phức tạp. Bạn phải giải quyết vấn đề đất đai, bạn phải đáp ứng các khoản đền bù, bạn phải giải quyết các vấn đề công nghệ."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Ánh, nhấn mạnh rằng sáng kiến '1 vành đai, 1 con đường' sẽ "phát triển một cách êm ái".
Bắc Kinh đã giành được hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Indonesia vào tháng 9 năm 2015, nhưng hơn hai năm sau, tiến độ xây dựng tuyến đường từ Jakarta tới thành phố Bandung vẫn hầu như 'giậm chân tại chỗ'.
"Từ sau lễ động thổ, tôi vẫn không thấy bất kỳ tiến triển nào về tuyến đường ray cả", Neng Sri, chủ cửa hàng ăn 37 năm ở làng Mandala Mukti cho biết, việc thuyết phục dân làng nhượng đất cho dự án vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Bộ giao thông Indonesia đã từ chối cung cấp thông tin cập nhật về dự án này và tập đoàn của các công ty Trung Quốc và Indonesia xây dựng tuyến đường này cũng không hồi đáp lại các thắc mắc từ dư luận trong nước.
Một tuyến đường sắt cao tốc nối khu vực phía Nam Trung Quốc tới Singapore, tuyến đường sắt đi qua Thái Lan đã bị trì hoãn do xung đột về tài chính và các quy định về an toàn lao động, cho đến tháng 6 vừa qua, chính phủ Thái Lan mới thông qua 5,2 tỷ USD để bắt đầu xây dựng tuyến đường.
Việc thi công đang được tiến hành trên đoạn đường dài 415 km (260 dặm) ở Lào.
Nhưng ngay cả ở đó dự án đã gây tranh cãi do chi phí xây dựng quá lớn - khoảng 5,8 tỷ USD, gần bằng một nửa GDP của Lào trong năm 2015 - và câu hỏi đặt ra liệu có bao nhiêu người nghèo sẽ được hưởng lợi từ dự án.
Việc thực hiện sáng kiến '1 vành đai, 1 con đường' được rất nhiều quốc gia quan tâm, đơn giản là bởi quyền lợi mà dự án này mang lại.
Đối với Trung Quốc, dự án này sẽ giúp giải quyết việc tiếp cận các thị trường trọng điểm và giải quyết tình trạng thừa năng lực trong các ngành công nghiệp trong nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các quốc gia liên quan.
Bà Hoa tuyên bố: "Chúng tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ và chấp thuận cho các dự án của chúng tôi. Nhiều dự án đã mang lại những lợi ích hữu hình cho người dân ở những nước này."
Tuy nhiên người dân các nước khác lại không cho là vậy.
"Tàu cao tốc chỉ dành cho những người siêu bận rộn nghĩ rằng thời gian là tiền bạc, còn chúng tôi chẳng vội vã đi đâu cả", dân làng Sri, người sống bên cạnh dự án đường sắt Indonesia nói.
Theo AFP