Đó là những con số khả quan về giáo dục Hà Nội sau 10 năm chính thức sáp nhập thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Thực tế cho thấy, tại thời điểm mới hợp nhất, ngành GD-ĐT Hà Nội gặp không ít khó khăn trong công tác cán bộ: Tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ trên chuẩn còn thấp (mầm non: 13,5%, tiểu học: 76,7%, THCS: 49%, THPT: 8,4%). Chất lượng đội ngũ CBQL và giáo viên không đồng đều giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành, đặc biệt là khu vực mới hợp nhất về Hà Nội. Nhưng sau 10 năm, đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên của ngành đã có bước phát triển vượt bậc: Về cơ bản Hà Nội đã có đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu. 100% CBQL và giáo viên đứng lớp các ngành học, cấp học đạt chuẩn đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao so với tỷ lệ chung của cả nước. Theo đó, mầm non: CBQL 98,2%, GV 63,5%; tiểu học: CBQL 99,5%, GV: 90,3%; THCS: CBQL 98,5%, GV 79,4%; THPT: CBQL 65,8%, GV 28,6 %.
Trước thời điểm hợp nhất, điểm tuyển sinh đầu vào của các đơn vị thuộc khu vực mở rộng còn thấp. Đơn cử, THPT Bất Bạt: 14,5 điểm; Chương Mỹ B: 17,5 điểm, Đồng Quan: 27 điểm…Nay, điểm tuyển sinh đầu vào tăng từ 8,5-17 điểm. Nhìn lại 10 năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở khu vực Hà Tây cũ không cao (67,24%). Nay, tỷ lệ tốt nghiệp THPT tại Hà Nội là 98,82% (năm học 2017-2018).