Một nghiên cứu mới của Mỹ đã đưa ra câu trả lời về vấn đề này.
Trường Đại học Stanford (Mỹ) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu với 609 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 18 đến 50, bao gồm cả nam và nữ.
Họ được phân chia ngẫu nhiên để có chế độ ăn ít chất béo hoặc ít tinh bột, ít đường trong khoảng thời gian một năm.
Trước đó, họ đã được kiểm tra độ dung nạp glucose, mức độ insulin, và gene để các nhà nghiên cứu có thể phân tích gene nào mã hóa các protein kiểm soát sự trao đổi chất béo và carbohydrate trong cơ thể.
Trước khi bắt đầu nghiên cứu, nhóm ăn kiêng ít béo mỗi ngày dung nạp lượng chất béo trung bình là 87 gram và lượng carbohydrate hàng ngày trung bình của nhóm ít đường, ít tinh bột là 247 gram.
Sau khi điều chỉnh dần dần, vào thời điểm cuối của cuộc nghiên cứu, nhóm ăn kiêng ít béo trung bình mỗi ngày nạp 57 gram chất béo, trong khi lượng carbohydrate trung bình của nhóm ít đường, ít tinh bột là 132 gram.
Kết quả cuối cùng cho thấy cả hai nhóm đều giảm được trung bình 5,9kg trọng lượng cơ thể. Mặc dù một số tình nguyện viên còn giảm được tới 27kg, nhưng có những người khác lại tăng từ 6,8 đến 9kg.
Các phân tích thêm cũng không tìm thấy sự liên kết trực tiếp giữa các đặc điểm gene di truyền, mức độ insulin và phương pháp giảm cân nào mang lại hiệu quả tốt hơn.
Các phát hiện được công bố trên số mới của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Nhà nghiên cứu Christopher Gardner, giáo sư Trường Y thuộc Đại học Stanford, cho biết họ muốn tìm kiếm những chế độ ăn kiêng khỏe mạnh và phù hợp với từng người. Ví dụ như những người có loại gene này thì phù hợp với ăn kiêng ít béo và những người khác lại phù hợp với ăn kiêng ít đường, ít tinh bột. Nhưng hiện tại, chế độ ăn kiêng ít đường, ít tinh bột và chế độ ăn ít chất béo mang lại hiệu quả tương đương nhau.