Sẽ siết chặt hơn việc xét công nhận giáo sư

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thông tư mới được xây dựng sẽ thay thế Thông tư 25/2013/TT-BGDĐT ngày 15/7/2013 của Bộ trưởng GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (HĐGSNN), các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành (HĐGSN) và Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở (HĐGSCS) và Thông tư 05/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐGSNN, HĐGSN, HĐGSCS.

Siết chặt việc xét công nhận GS, PGS

Dự thảo lần này đưa thêm điều khoản tăng cường công tác thanh, kiểm tra siết chặt việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Cụ thể ở Điều 4 về thanh tra, kiểm tra, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Hội đồng Giáo sư cơ sở tại cơ sở giáo dục ĐH thành lập hội đồng.

Theo dự thảo, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ thanh tra, kiểm tra hoạt động xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của các Hội đồng. Cùng đó, giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng bổ sung thêm việc xử lý các vi phạm. Điều 5 của Dự thảo quy định tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm; xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thay vì trước đây nếu thành viên các hội đồng không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì thủ trưởng các cấp đề nghị lên cấp trên xem xét, ra quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế.

Thì ở phần quy định chung, Điều 3 về Tiêu chuẩn thành viên của các Hội đồng trong dự thảo lần này quy định: Thành viên Hội đồng Giáo sư không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm người thay thế.

Lý lịch khoa học sẽ được công bố công khai

Thay đổi lớn nhất nằm ở các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng các cấp.

Điểm mới nhất trong dự thảo lần này có lẽ là việc danh sách thành viên HĐGSNN/ HĐGSN và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên sẽ được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của HĐGSNN để mọi người được biết.

Về cơ cấu, thành viên HĐGSNN, dự thảo bỏ quy định “thành viên có đủ sức khỏe và thời gian để thực hiện nhiệm vụ; tuổi của thành viên tính đến thời điểm được bổ nhiệm không quá 70”.

Thay đổi về cơ cấu HĐGSN là có từ 7 đến 15 thành viên thay vì quy định có từ 9 đến 15 thành viên như trước đây.

Dự thảo lần này quy định ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS thì trong nhiệm kỳ đó không tham gia HĐGSN.

Thay vì trước đây cho phép trong trường hợp ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là thành viên của HĐGSN thì không tham gia phần trao đổi, thảo luận, đánh giá về hồ sơ của mình, nhưng vẫn được quyền tham gia bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong Dự thảo cũng không còn quy định với thành viên HĐGSN đủ sức khỏe và thời gian để thực hiện nhiệm vụ của HĐCDGS ngành; tuổi của thành viên HĐGSN tính đến thời điểm được bổ nhiệm đối với thành viên có chức danh PGS không quá 67, đối với thành viên có chức danh GS không quá 70.

Về cơ cấu tổ chức, thành viên HĐGSCS, ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS thì trong nhiệm kỳ đó không tham gia Hội đồng.

Sẽ siết chặt hơn việc xét công nhận giáo sư ảnh 1

Ảnh minh hoạ

Bỏ điều kiện “có đủ sức khỏe và thời gian để thực hiện nhiệm vụ của HĐGSCS; tuổi của thành viên tính đến thời điểm được bổ nhiệm đối với thành viên có chức danh PGS không quá 67, đối với thành viên có chức danh GS không quá 70”.

Điều kiện thành lập HĐGSCS có nhiều tiêu chí thay đổi so với trước đây.

Điều 21 của Dự thảo cho biết để được thành lập HĐGSCS cần hội tụ các điều kiện sau:

Cơ sở giáo dục ĐH có ứng viên là giảng viên cơ hữu đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS và có nhu cầu thành lập Hội đồng.

Cơ sở giáo dục ĐH đã hoàn thành ít nhất 3 khóa đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ.

Năm trước liền kề với năm thành lập Hội đồng không vi phạm các quy định về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Cơ sở giáo dục ĐH có tối thiểu 9 giảng viên cơ hữu có chức danh GS, PGS. Để có đủ số lượng thành viên theo quy định, Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH có thể mời GS, PGS ở trong và ngoài nước đang tham gia giảng dạy tại cơ cở giáo dục ĐH tham gia Hội đồng. Số lượng thành viên mời không quá 1/3 tổng số thành viên Hội đồng.

Trên đây là những điểm mới của dự thảo so với các thông tư trước đây. Bộ GD-ĐT sẽ nhận các ý kiến góp ý cho đến hết ngày 16/3/2019.

Theo Vietnamnet
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.