20 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Armata với những công nghệ và tính năng tân tiến nhất đã được chuyển giao cho quân đội Nga đầu tháng 2 năm nay. Các xe tăng Armata sẽ có mặt trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ mừng 70 năm chiến thắng Phát xít tổ chức vào ngày 9/5 tới. Trước đó, những mô hình đầu tiên của tăng Armatar được giới thiệu lần đầu trong Triển lãm Russia Arms EXPO năm 2013.
Xe tăng Armata được cho là sản xuất với chi phí khoảng 8 triệu USD/chiếc, Tuy nhiên nhiều chuyên gia dự đoán T-14 sẽ chỉ có giá xuất xưởng 3,1 triệu USD khi đi vào sản xuất đại trà.
Trung tướng Nga Yuri Kovalenko tuyên bố rằng hệ thống chiến đấu Armata sẽ sử dụng một số tính năng từ xe tăng T-95. Ở phiên bản tăng chủ lực, khoang đạn sẽ được cách ra khỏi tổ lái để tăng độ an toàn. Trong khi đó động cơ sẽ được nâng cấp mạnh hơn và giáp, pháo chính cùng hệ thống nạp đạn tự động sẽ được củng cố.
Đây được coi là mẫu xe tăng phá vỡ mọi chuẩn mực thiết kế truyền thống của xe tăng Nga, khi không chỉ chú trọng tới lính lái xe tăng mà còn tập trung tối đa vào hỏa lực.
Xe tăng Armata T-14 là một phần trong chương trình nâng cấp quân sự trị giá hơn 387 tỉ USD của Nga.
T-14 sẽ được trang bị các loại vũ khí tối tân cùng vơi lớp vỏ giáp phản ứng nổ bảo vệ kíp điều khiển bên trong.
Theo Viện Nghiên cứu Khoa học vật liệu thép Nga, siêu tăng T-14 Armata được chế tạo bằng loại thép đặc biệt, có thể tác chiến tốt trong mọi điều kiện thời tiết.
Ưu điểm của lớp giáp bảo vệ chính của siêu tăng Armata là có trọng lượng nhẹ, nhờ các kỹ sư người Nga đã phát triển một loại thép đặc biệt có độ bền hơn các loại thép được sử dụng trước đây, độ dày lớp giáp bảo vệ đã giảm 15% nhưng khả năng chịu lực vẫn không hề suy giảm.
Xe tăng được trang bị hệ thống nạp đạn tự động, tháp pháo bao phủ bằng hệ thống bảo vệ từ mọi phía. Xe sử dụng hệ thống radar mới nhất có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 100km.
Đặc điểm của Armata gây ấn tượng mạnh nhất là hệ thống phòng thủ chủ động (KAZ) Afganit. Hệ thống này sử dụng tổ hợp radar có tầm nhìn mở rộng để dò ra và phát hiện các loại đạn hướng đến xe tăng, có hệ thống gây nhiễu để ngăn chặn nhiều mục tiêu bắn vào xe tăng cùng lúc.
Khi đạn bay tới, hệ thống này lập tức phóng tên lửa đánh chặn và tiêu diệt đầu đạn. Bảng điện tử hệ thống không thể xuyên thủng đối với các tên lửa dẫn đường và mìn chống tăng với cảm biến từ tính.
Theo Viện nghiên cứu vật liệu thép của Nga, áo giáp của siêu tăng Armata có thể chống lại tất cả các loại đạn chống tăng có cỡ nòng 120 mm hiện nay, những tên lửa chống tăng có điều khiển và súng phóng lựu cầm tay có cỡ nòng từ 100-150 mm.
Phát minh mang tính cách mạng của xe tăng T-14 là tháp pháo không người lái. Sau khi Armata được trang bị cho quân đội, nó sẽ là chiếc xe tăng đầu tiên với tháp pháo không người lái và hệ thống phòng thủ chủ động.
Điểm khác biệt cơ bản của T-14 "Armata" với những mẫu xe tăng hiện dùng là ở chỗ nó có khoang bọc thép tách riêng đảm bảo an toàn cho tổ lái.
Armata T-14 được trang bị động cơ 1800 mã lực, vận tốc tối đa đạt 90km/h. Đạn pháo 125 mm của xe tăng có khả năng đốt cháy thép dày 1 mét, có 32 thể loại đạn với tính năng khác nhau, tầm xa triệt hạ có thể đến 7km, tốc độ bắn 10-12 phát/phút. Bên cạnh đó tăng T-14 còn trang bị hệ thống súng máy cỡ nòng 12,7mm
Dự kiến 2300 xe tăng Armata sẽ được biên chế trong quân đội Nga vào năm 2025.
Cựu Trung tá quân đội Mỹ, Daniel Davis, nói rằng siêu tăng mới nhât của Nga Armatar T-14 chỉ mất 6 năm nghiên cứu và hoàn thành nhưng vượt trội so với những khả năng của xe tăng M1 Abrams - loại xe tăng chiến đấu chủ lực thông dụng nhất trong quân đội Mỹ.
Minh Vương