Sinh viên Havard 'cuống cuồng' trước quyết định đóng cửa trường

(Ngày Nay) - Như một hiệu ứng domino, các trường đại học tại Mỹ lần lượt tuyên bố sẽ đình chỉ các lớp học và yêu cầu sinh viên rời khỏi ký túc xá do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh trong môi trường học đường.


Sinh viên Havard 'cuống cuồng' trước quyết định đóng cửa trường ảnh 1

Một ngày sau khi các trường đại học trên cả nước đình chỉ các lớp học, Abigail Lockhart-Calpito, sinh viên năm nhất đến từ San Antonio (Texas), đã chạy khắp khuôn viên Harvard để cố gắng tìm được câu trả lời.

Các bài giảng truyền thống của Abigail đã được thay thế bằng các lớp học trực tuyến. Ký túc xá của cô đã được dọn sạch. Cô ấy, giống như hàng nghìn sinh viên, đang có tới một triệu câu hỏi trong đầu lúc này: “Điều gì sẽ xảy ra với khoản trợ cấp tài chính của mình? Tôi sẽ ở đâu? Thế còn những tín chỉ của mình thì sao?”.

Sự gián đoạn đột ngột của học kỳ mới đã gây ra mối quan ngại sâu sắc và cảm giác hỗn loạn tại các khu học xá trên khắp nước Mỹ. Các trường đại học đã coi kỳ nghỉ xuân là cơ hội để thiết lập các biện pháp trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Từng trường một đã tuyên bố đóng cửa các lớp học và yêu cầu sinh viên đóng gói đồ đạc trước khi rời đi.

Những sinh viên thu nhập thấp tự hỏi liệu họ có đủ khả năng để về nhà. Còn những du học sinh lại băn khoăn về thị thực của họ. Sinh viên tốt nghiệp thì lo lắng về những ảnh hưởng đối với các dự án nghiên cứu đang được tiến hành suốt nhiều năm.

Một số sinh viên nghĩ xa lại lo lắng về việc liệu quyết định trở về nhà có khiến mình trở thành nguồn lây bệnh cho ông bà, cha mẹ mình hay không, nếu đúng là virus corona đã có mặt tại trường đại học.

Vào thứ Tư, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố rằng các hệ thống đại học của tiểu bang và thành phố sẽ chuyển sang phương pháp học online, cũng như Đại học Pennsylvania, một số cơ sở của bang California,  bang Iowa, bang Michigan, trường Cao đẳng Claremont và Đại học Washington,….

Sinh viên Havard 'cuống cuồng' trước quyết định đóng cửa trường ảnh 2

Thông báo bất ngờ khiến nhiều sinh viên vội vàng tìm mua các hộp đựng đồ để dọn ra khỏi ký túc xá Havard. Ảnh: CNBC

Các chuyên gia y tế cho rằng  việc duy trì những khu ký túc xá, với phòng tắm và phòng ăn chung, cùng với các bữa tiệc thâu đêm, giống như nhét tất cả các sinh viên vào một con tàu du lịch, khiến họ đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Ngay cả những học sinh đang chuẩn bị nhập học vào mùa thu cũng cảm thấy ảnh hưởng, vì kỳ thi SAT dự kiến đã bị hủy bỏ ở 18 bang và tại hơn 120 trường trung học ở Mỹ. Hiện các nhà chức trách chưa thể lên lịch thi mới cũng như tìm địa điểm tổ chức.

Abigail, 19 tuổi, được trợ cấp tài chính đầy đủ, bao gồm học phí, tiền phòng và tiền ăn hàng tháng. Cha mẹ Abigail là lao động tự do nên cô phải tự làm thêm 2 công việc bán thời gian để kiếm đủ tiền mua vé máy bay về nhà trong kỳ nghỉ xuân. Hiện tại, Abigail sẽ ở tạm chuyển tới sống cùng gia đình của một người bạn thay vì quay về với bố mẹ.

Khi mới chuyển đến ký túc xá của mình, Abigail rất thích thú vì cô có phòng riêng, còn các bữa ăn đã được bao trọn.

Còn bây giờ, cô nhận ra rằng ban quản trị Havard đã không nghĩ đến những hậu quả của quyết định đóng cửa trường đối với những người như cô. “Cảm giác như đó là một thông báo trục xuất vậy”, nữ sinh viên cho biết.

“Havard muốn chúng tôi về nhà. Nhưng đối với nhiều người chúng tôi, khu ký túc này chính là nhà”, Abigail bộc bạch.

Sau khi gõ cửa hết phòng này tới phòng khác, những câu trả lời mà Abigail nhận được chỉ là những lời cảm thông và chia sẻ bởi nhà trường cũng chỉ mới nhận được quyết định cùng lúc với sinh viên, cho nên sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho tất cả.

Sinh viên Havard 'cuống cuồng' trước quyết định đóng cửa trường ảnh 3

Ba nữ sinh viên năm nhất Havard giúp nhau dọn đồ đạc. Ảnh: NY Times

Abigail cho biết đã có vài tổ chức từ thiện tư nhân và cá nhân sẵn sàng cung cấp chỗ ở tạm thời và trợ giúp tài chính cho những sinh viên như cô.

Tabitha Escalante, 18 tuổi, sinh viên năm nhất Havard đến từ Ohio, cho biết yêu cầu gấp rút rời khỏi trường đã gây tốn kém cho cả cô và gia đình.

Ban đầu, Tabitha dự định bay về nhà vào kỳ nghỉ xuân nhưng phải hủy vé máy bay trị giá 250 USD, khi cô nhận được thông báo về việc nhà trường tạm đóng cửa. Không có cách nào cô ấy có thể tìm được kho trữ đồ đạc cá nhân chỉ trong hai ngày. “Kế hoạch mới của tôi đó là để mẹ mình – một bồi bàn, xin nghỉ phép và lái xe 11 giờ tới Cambridge (Massachusetts), để đón tôi và chở đồ đạc về”.

“Gia đình tôi sống nhờ tiền bo của mẹ. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng thành thực mà nói chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, Tabitha chia sẻ.

Các quan chức tại Harvard cho biết họ “chìm ngập” trong các yêu cầu trợ giúp tài chính và không thể dành thời gian để nói chi tiết về tình hình.

Sinh viên Havard 'cuống cuồng' trước quyết định đóng cửa trường ảnh 4

Nam sinh viên Havard đóng gói đồ đạc vào vali trước khi rời khỏi ký túc xá. Ảnh: NY Times

Nhà trường cho biết Thống đốc Massachusetts  Charlie Baker đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 10/3 và nói rằng trường đại học buộc phải đưa ra tuyên bố tương tự. Nhưng họ nói rằng bất kỳ sinh viên nào được hỗ trợ tài chính và có một nhu cầu “chính đáng” sẽ được chăm sóc.

Đến giữa trưa thứ Tư (11/3), khi áp lực gia tăng, Havard đã đưa ra các hướng dẫn bằng văn bản cho sinh viên nhận hỗ trợ tài chính, đề nghị giúp trang trải chi phí lưu trữ và vận chuyển đồ đạc của họ. Trường đại học này cho biết họ đã bố trí nhân viên trong các phòng ăn để giúp đặt vé đi lại và số tiền hỗ trợ tài chính mà sinh viên đang nhận sẽ quyết định chi phí đi lại của họ là bao nhiêu.

Cách đó hơn một nghìn dặm, tại Đại học bang Iowa, Alex Stein, một sinh viên năm hai, đã khá ngạc nhiên và hoảng loạn khi thấy giảng viên và trợ giảng của mình đeo găng tay khi phát bài kiểm tra. “Họ sợ sẽ dính virus khi cầm vào các tờ giấy”, cậu kể lại.

“Một cậu bạn gửi tôi đoạn video ghi lại cảnh một giảng viên đeo găng tay và xịt thuốc khử trùng xuống bàn. Tôi không sợ bị bệnh vì tôi biết rằng nó sẽ không giết tôi”, Alex cho biết. “Tuy nhiên, tôi sợ rằng tôi có thể lây bệnh cho ông bà và bố mẹ”.

Alex tỏ ra không hứng thú với các lớp học trực tuyến vì kinh nghiệm trước đây của cậu với các khóa học vật lý và tích phân ảo. “Sẽ rất dễ tiếp thu những kiến thức này nếu được học trên lớp”, cậu sinh viên cho biết.

Việc đóng cửa trường học cũng đặt ra những thách thức cho các du học sinh. Những người có visa F sẽ chỉ được phép tham gia một khóa học trực tuyến mỗi kỳ để duy trì tình trạng cư trú hợp pháp, sinh viên có visa M,để học nghề, thường không được phép tham gia bất kỳ lớp học trực tuyến nào.

Sinh viên Havard 'cuống cuồng' trước quyết định đóng cửa trường ảnh 5

Đại học bang Ohio là một trong nhiều trường đại học trên toàn nước Mỹ đang chuyển sang hình thức học trực tuyến. Ảnh: NY Times

“Tôi không hiểu chính xác quyết định này ảnh hưởng đến tình trạng visa của mình như thế nào vì chúng tôi cần phải đăng ký vào các lớp học truyền thống”, theo chia sẻ Aditya Jain, 21 tuổi, sinh viên năm cuối tại Đại học Northeastern. Hiện Aditya đang học một kỳ tại chi nhánh San Francisco, nơi hầu hết các lớp học đều chuyển sang hình thức trực tuyến.

“Bạn bè của tôi chắc chắn rất lo lắng về toàn bộ tình hình hiện tại”, Aditya nói.

Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) vào ngày 9/3 đã ban hành hướng dẫn, nói rằng họ sẽ linh hoạt với các điều chỉnh tạm thời dành cho du học sinh khi các trường đại học tạm thời đóng cửa lớp học.

Carissa Cutrell, phát ngôn viên của ICE, cho biết mục tiêu là đảm bảo rằng các sinh viên có thể tiếp tục đạt được tiến độ bình thường trong thời gian tham gia khóa học đầy đủ theo yêu cầu của quy định liên bang”.

Trong những trường hợp hiếm hoi, một số sinh viên sẽ vẫn ở trong khuôn viên trường ngay cả khi những người bạn cùng lớp bị buộc phải sơ tán. Trong thông báo hôm 11/3 rằng các lớp học đã được chuyển sang trực tuyến và kỳ nghỉ xuân kéo dài thêm một tuần, Đại học Pennsylvania cho biết sinh viên y khoa và điều dưỡng sẽ tiếp tục quá trình kiến tập.

Juan Diego Jaramillo, sinh viên năm cuối Đại học Columbia, cho biết rất thất vọng khi biết tin lễ tốt nghiệp của mình sẽ bị hủy bỏ do lo ngại việc các gia đình tụ tập có thể khiến virus corona lây lan.

Kỳ nghỉ xuân bắt đầu từ tuần này đối với sinh viên Columbia và Jaramillo cùng các bạn không quá bận tâm về nỗi lo dịch bệnh.

“Thứ hai là một ngày đẹp trời và lớp học đã bị hủy bỏ. Nhưng sinh viên vẫn tụ tập đầy sân trường. Mọi người chỉ muốn ra ngoài và tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ”, Jaramillo nói.

Theo NY Times
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).