Sớm hoàn thiện dự thảo 'Made in Vietnam' để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng

 Dự thảo của Bộ Công Thương quy định về tiêu chí dán mác "Made in Vietnam" cho hàng hóa sản xuất trong nước, lưu thông nội địa đang được lấy ý kiến dư luận. Mặc dù dự thảo ban hành là cần thiết song vẫn còn ý kiến khác nhau về một số quy định trong dự thảo.

Cơ sở để xác định "hàng hóa Việt Nam"

Tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do. Với hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nước, chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Sớm hoàn thiện dự thảo 'Made in Vietnam' để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng ảnh 1

Việc gắn nhãn "Made in Vietnam" sẽ được quy định chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Việc thiếu vắng các quy định như vậy đã khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng khi ghi nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. (Theo quy định của Nghị định này, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa).

Cùng với đó, một số doanh nghiệp lại lợi dụng kẽ hở này để giả mạo xuất xứ sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng. Như trường hợp của khăn lụa Khaisilk mấy năm trước đây, doanh nghiệp đã cắt bỏ nhãn "made in China" để thay vào đó là nhãn "made in Vietnam". Sự việc bại lộ, người tiêu dùng đã tẩy chay thương hiệu này.

Trường hợp Khaisilk dễ dàng quy kết doanh nghiệp giả mạo xuất xứ do khăn nhập hoàn toàn từ Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam". Nhưng có nhiều trường hợp, hàng hóa trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam, còn linh phụ kiện, nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, thì các cơ quan chức năng lại thiếu căn cứ để phân xử.

Việc Bộ Công Thương ban hành Dự thảo thông tư về việc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước là cần thiết trong bối cảnh các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi như hiện nay.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự thảo thông tư đã đưa ra các điều khoản chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích các thuật ngữ sử dụng trong thông tư. Các trường hợp được phép và không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam, cách thức và ngôn ngữ thể hiện. Các trường hợp, tiêu chí để hàng hóa được coi là hàng hóa của Việt Nam hay các quy định liên quan đến việc xác định hàng hóa của Việt Nam (gia công đơn giản, bao bì phụ kiện, tỉ lệ linh hoạt, yếu tố gián tiếp).

"Tôi lấy trường hợp hạt cà phê được trồng và thu hoạch tại Việt Nam. Con cá được nuôi hoặc đánh bắt tại vùng biển Việt Nam, tài nguyên khoáng sản khai thác tại Việt Nam. Đó là những mặt hàng có xuất xứ thuần túy và đương nhiên được coi là hàng hóa của Việt Nam. Với trường hợp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hoặc nguyên liệu không rõ xuất xứ, hàng hóa sẽ phải đáp ứng yêu cầu trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam, cộng với việc đáp ứng tiêu chí "chuyển đổi mã số hàng hóa" hoặc tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng", ông Hải giải thích.

Ông Trần Thanh Hải dẫn chứng cụ thể: Bột mì nhập khẩu từ nước ngoài thì không được coi là hàng hóa Việt Nam. Nhưng sau khi đưa vào nhà máy, trải qua công đoạn chế biến để thành sản phẩm cuối cùng là bánh quy thì sản phẩm bánh quy đó đã trở thành một loại hàng hóa mang mã số khác, có tính chất thay đổi khác hẳn với bột mì ban đầu, nên sản phẩm bánh quy đó đáp ứng tiêu chí "chuyển đổi mã số hàng hóa". Từ đây, nó được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, Thông tư này sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43. Thông tư sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã xảy ra trong thời gian qua. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Không phải xuất xứ Việt Nam thì ghi thế nào?

Mặc dù Dự thảo đã hướng dẫn cụ thể với các cách ghi nhãn hàng hóa như: Sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam, hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất, chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo…. nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cách ghi nhãn khi xác định xuất xứ không phải của Việt Nam.

Điều 10 chương 3 quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Nhưng dự thảo thông tư không quy định trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa của ai.

Sớm hoàn thiện dự thảo 'Made in Vietnam' để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng ảnh 2

Dự thảo "Made in Vietnam" sẽ tiếp tục được hoàn thiện trước khi ban hành.

Ví dụ, cái đèn LED được lắp ráp tại Việt Nam với nhiều vật liệu, linh kiện của các nước khác nhau nhưng không được ghi xuất xứ Việt Nam vì nó chỉ lắp ráp đơn giản thì ghi xuất xứ như thế nào? Đây là khoảng trống của dự thảo.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Dự thảo này đang đặt ra vấn đề, một sản phẩm mà doanh nghiệp mua linh kiện của nhiều nước khác nhau về lắp ráp đơn giản, không đủ điều kiện ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam, vậy thì sản phẩm đó ghi xuất xứ nước nào. Trong trường hợp này cần phân tích sản phẩm đó linh kiện của nước nào có giá trị cao nhất thì ghi xuất xứ của nước đó”.

Chuyên gia đề nghị cần có các quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính, hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để trục lợi.

Còn theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng (Văn phòng Luật sư OPIC và Cộng sự), mặc dù dự thảo thông tư nhằm mục đích xác định thế nào là “hàng của Việt Nam” và “xuất xứ Việt Nam”, nhưng trong phần giải thích từ ngữ tại Điều 3 Dự thảo lại chưa giải thích và làm rõ được các khái niệm trên.

"Nếu đã là "Hàng của Việt Nam” hoặc “Hàng Việt Nam” và gắn nhãn “Hàng Việt Nam” thì phải là hàng có xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, 100% nguyên liệu sản xuất, gia công có xuất xứ Việt Nam và được sản xuất tại Việt Nam. Còn “Hàng sản xuất tại Việt Nam” và gắn nhãn hàng "Made in Vietnam" là bất kỳ sản phẩm, hàng hóa nào được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam không phân biệt tỉ lệ nội địa hóa đều có quyền ghi nhãn hàng sản xuất, xuất xứ tại Việt Nam. Có như vậy mới thực rõ ràng cho doanh nghiệp khi ghi nhãn mác và áp dụng", luật sư đề nghị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị, để thực hiện những quy định trong thông tư này, cần có một cơ chế, đội ngũ có chuyên môn cao đồng thời áp dụng khoa học, kĩ thuật phục vụ giám định, kiểm tra chất lượng hàng hóa, phục vụ cho việc ghi nhãn để những hàng hóa này được lưu thông trên thị trường đúng với pháp luật và xuất xứ của nó.

Theo TTXVN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.