Những trái mận hậu Ruby Sơn La. |
Ngày 2/6/2021, tỉnh Sơn La chính thức ra mắt thương hiệu “Mận hậu Ruby Sơn La” – được tuyển chọn từ những vườn mận được chăm sóc kỹ lưỡng nhất, cho trái ngọt nhất, kích thước đồng đều nhất – với mong muốn tạo một vị thế mới cho trái mận, cũng như nông sản đặc trưng của tỉnh.
Năm 1981, những cây giống mận hậu đầu tiên được đưa về Mộc Châu. Trong suốt bốn mươi năm sau đó, cây mận trở thành chứng nhân cho sự thay đổi cuộc sống của đồng bào. Những vườn mận hậu mênh mông dần hình thành trong thung lũng Nà Ka, nở trắng hoa mỗi dịp xuân về.
“Chúng tôi tin rằng Mận hậu Ruby Sơn La chỉ là bước khởi đầu, khẳng định tầm nhìn của tỉnh với những nông sản hàng hóa có giá trị cao, có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường”, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch Tỉnh Sơn La phát biểu.
Những trái Mận hậu Ruby Sơn La được tuyển chọn và phân phối bởi các chuyên gia của Mia Fruit – một doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của nhiều nông sản trong nước và nhập khẩu – từ các vườn mận tại thung lũng Nà Ka. “Đây là những trái mận có phẩm chất cao nhất tại Việt Nam hiện nay”, bà Nguyễn Ngọc Huyền - Đại diện Mia Fruit khẳng định, “Nếu xét theo tiêu chí của thị trường quốc tế, về hương vị, kích thước và vẻ đẹp bên ngoài, chúng tôi tin rằng Mận hậu Ruby Sơn La xứng đáng có vị trí cả trên trường thế giới”.
Mia Fruit cùng người nông dân tuyển trạch mận kỹ lưỡng. |
Bốn mươi năm qua, những gốc mận gắn bó với ba thế hệ ở thung lũng Nà Ka cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ giống nguyên bản, mỗi vụ mùa qua, người nông dân Nà Ka lại tuyển chọn những cây đẹp nhất, ngon nhất, chiết cành và nhân giống, để tạo ra loại mận hậu đặc trưng của riêng mình. Họ tìm cách chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đưa ra các giải pháp sáng tạo để bảo vệ cây mận trong những mùa mưa đá, giá rét.
Cây mận không chỉ là một giống cây ăn quả bất kỳ: nó đã kéo cả vùng đất này dần dần thoát nghèo bền vững. Cây mận, vì thế, được người dân các vùng trồng quanh Mộc Châu ứng xử như những thành viên trong gia đình suốt nhiều thế hệ.
Các vườn Mận hậu Ruby Sơn La do Mia Fruit tuyển trạch cho trái lớn, tròn, đồng đều, dao động từ 18-25 trái/kg. Màu đỏ xanh hòa quyện hài hòa trên vỏ mỏng, tạo ra nét đặc trưng dễ nhận biết. Cứ 100 trái mận được trồng tại Sơn La, thì chỉ có 5 trái Mận hậu Ruby được tuyển lựa.
Quả được hình thành nhờ vào thổ nhưỡng riêng của vùng thung lũng Nà Ka – nằm trong vùng khí hậu Mộc Châu ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển – vốn đã từ lâu nổi tiếng là đất lành cho các loài cây ăn quả ôn đới. Vùng núi đá vôi nhiều khoáng chất tạo ra hương vị đậm đà. Chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao làm cho khả năng tích đường tốt, mận ngọt hơn.
Cận cảnh trái Mận hậu Ruby Sơn La. |
Những cây mận hàng chục năm tuổi ở thung lũng Nà Ka cắm rễ sâu vào lòng đất, lấy được nhiều vi lượng và khoáng chất mà bề mặt không có.
Phương pháp canh tác Mận hậu Ruby Sơn La cũng được những nghệ nhân trồng mận trong thung lũng thiết kế riêng qua bốn thập kỷ chiêm nghiệm. Các cây mận được trồng ở khoảng cách xa hơn nhiều vùng trồng khác, để có không gian “thở”. Với tiêu chí đề cao chất lượng của từng trái mận, người nông dân Nà Ka sẵn sàng hy sinh đến 30% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những trái ngon nhất.
Người dân Sơn La thu hoạch mận. |
“Với sự hợp tác cùng một doanh nghiệp có kinh nghiệm quốc tế như Mia Fruit, tầm nhìn của tỉnh không dừng lại ở thị trường trong nước”, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch Tỉnh Sơn La khẳng định, “Trái Mận hậu Ruby Sơn La cũng chỉ là một tiền lệ để xây dựng quy trình bài bản cho những loại nông sản khác”.
Ngoài làm thương hiệu và phát triển thị trường, Mia Fruit và UBND tỉnh Sơn La hướng tới mục tiêu đầu tư nâng cấp quy trình sản xuất cho Mận hậu Ruby Sơn La và mận Sơn La nói chung. “Chúng ta vẫn còn thiếu các nghiên cứu bài bản về giống mận hậu, cũng như về các giống nông sản quý hiếm của Việt Nam, trong khi chúng tôi tin rằng chúng xứng đáng sánh ngang với các giống cây mà Nhật Bản, Trung Quốc hay châu Âu đang quảng bá khắp thế giới”, Nguyễn Ngọc Huyền – Đại diện Mia Fruit nói, “Với sự tham gia của 5N: Nhà nước – Nhà khoa học – Người nông dân – Nhà phân phối – Người tiêu dùng, chúng tôi hy vọng vào một tầm cao mới cho nông sản Việt Nam”.