Những ứng dụng công nghệ thiết thực trên thế giới đang dần trở thành người bạn tâm giao của các bệnh nhân ung thư vú, giúp họ nâng cao chất lượng sống.
Xóa bỏ cảm giác cô đơn
Sử dụng internet để tìm hiểu các thông tin về sức khỏe, tìm sự giúp đỡ hay hỗ trợ là một thói quen khá phổ biến hiện nay. Theo thống kê mới nhất của Pew Research Center, 72% người trường thành sử dụng internet cho biết họ đã và đang tìm kiếm trực tuyến các thông tin liên quan đến sức khỏe, các bệnh và phương pháp điều trị cụ thể để có thể chủ động làm bạn với bệnh tật. Đó là chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng internet.
Anna Crollman |
Anna Crollman đã cặm cụi lên mạng tra cứu thông tin ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 2015. Khi ấy cô 27 tuổi. “Tôi ngay lập tức tra Google sau khi được chẩn đoán bệnh để tìm các thông tin cần thiết. Tôi đã dành một khoảng thời gian đáng kể tìm kiếm các blogger cùng độ tuổi, bị ung thư vú cũng như những phụ nữ trẻ nói về khả năng sinh sản và mang thai sau khi bị ung thư. Tôi rất cần được chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, cùng lứa tuổi với hi vọng tìm kiếm chút lạc quan, may mắn nhưng điều này khó khăn vô cùng”, Crollman nói. Cô là một trong ba người sống sót sau căn bệnh ung thư vú thẳng thắn chia sẻ về câu chuyện công nghệ giúp họ như thế nào, họ đã tìm thấy “cọc” giữa cơn bão bệnh tật từ một vài ứng dụng hữu ích.
“Khi một mình phải đối mặt với căn bệnh ung thư vú, tôi cảm thấy rất đáng sợ và cảm giác như mình bị cô lập. Cuộc sống như tối sầm lại trước mắt. Chỉ cần nghe hai tiếng ung thư là mọi niềm lạc quan, vui sống bay biến. Tôi lao vào tìm kiếm những người khác có cùng hoàn cảnh, mong muốn hình thành một mối liên hệ nào đó với người đã từng trải qua cơn sốc này. Mong muốn đó vô cùng mãnh liệt bởi bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi được chia sẻ và có bạn bè cùng cảnh ngộ, cùng hoàn cảnh” – Crollman chia sẻ.
“Nếu không có công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội, có lẽ tôi sẽ chẳng thế nào được như hiện tại, có thể đứng lên và bình tĩnh sống, mạnh mẽ đón nhận mọi thách thức, cũng khó có thể tìm kiếm nguồn hỗ trợ hay truyền cảm hứng cho những người khác cùng mắc bệnh. Khi được chẩn đoán bệnh, tôi đã may mắn được biết đến một cộng đồng phụ nữ phi thường chống chọi với căn bệnh qua Liên minh Sinh tồn Trẻ vượt qua bệnh ung thư vú. Các ứng dụng truyền thông xã hội khác đã thực sự thay đổi cuộc sống của tôi, cho tôi đến gần những người đồng cảnh ngộ, nó khiến cuộc sống của tôi thay đổi” - Crollman chia sẻ.
Trò chuyện qua ứng dụng
Crollman cũng như rất nhiều nữ bệnh nhân khác khám phá thế giới của các ứng dụng trên điện thoại. Một trong những mục yêu thích gần đây của cô là Breast Cancer Healthline (BCH). Ứng dụng miễn phí giúp người dùng dễ dàng tìm thấy chính xác những gì họ cần về căn bệnh ung thư vú. Ứng dụng được thiết kế cho những người phải đối mặt với ung thư vú ở tất cả các giai đoạn, BCH cung cấp các tính năng bao gồm: trò chuyện, thảo luận nhóm hàng ngày với các chủ đề xoay quanh việc điều trị, lối sống, sự nghiệp, các mối quan hệ, chẩn đoán mới và sống với giai đoạn 4.
“Nhiều nhóm trò chuyện đôi khi gây rối loạn thông tin, nhưng người bệnh có thể thoải mái tìm kiếm, chọn lọc và sắp xếp để có được những thông tin họ cần. Điều tôi thích ở ứng dụng BCH là nó có đầy đủ thông tin được sắp xếp hợp lí”, Crollman giải thích.
“Phần mềm giúp tôi cảm thấy rất được chào đó, được thấu hiểu và cảm thấy mình có giá trị trong các cuộc trò chuyện với mọi người. Là một người sống sót sau vài năm điều trị, thật đáng mừng khi tôi có thể đóng góp những suy nghĩ sâu sắc, hỗ trợ những phụ nữ mới được chẩn đoán trong cuộc thảo luận. Tôi đã chia sẻ về tác dụng phụ, dinh dưỡng, cũng như sở thích tập thể dục... Tôi thích nhìn thấy các bạn trẻ đặt câu hỏi và ngay lập tức nhận được phản hồi trong ứng dụng” - Crollman nói thêm.
Ann Silberman |
Ann Silberman – một phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú năm 2009 cũng có cùng ý kiến với Crollman. Cô thích vào nhiều cuộc trò chuyện ý nghĩa mà cô đã có với những người sống sót khác thông qua ứng dụng BCH. “Điều chúng tôi cần nhất không phải là thông tin về các loại thuốc điều trị mà là gặp gỡ những người ở vào hoàn cảnh như mình. Ứng dụng này giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân về mặt cảm xúc, thể chất và thậm chí là các thông tin điều trị. Chẳng hạn, các bác sĩ không giúp họ hiểu điều trị nội tiết khó như thế nào, và nhiều phụ nữ đã âm thầm từ bỏ. Tuy nhiên, thông qua ứng dụng, người bệnh có thể lắng nghe câu chuyện của những phụ nữ đã từng như vậy và tìm cách vượt qua” - Silberman nói
Ứng dụng BCH cũng bao gồm một tính năng thú vị kết nối người bệnh với những người khác dựa trên việc điều trị, từng giai đoạn ung thư và sở thích cá nhân của người bệnh.
“Tôi có thể tìm được những người có độ tuổi và giai đoạn giống mình, vì vậy chúng tôi có thể chia sẻ những lo lắng và sợ hãi với nhau. Tôi đang ở giai đoạn bệnh 4, du lịch rất khó khăn và nếu không có “thế giới trực tuyến”, tôi thậm chí không thể nói chuyện với những người có chẩn đoán tương tự mình”, Silberman chia sẻ.
Ericka Hart, người sống sót sau ung thư vú khi được chẩn đoán ở tuổi 28 cũng nhờ ứng dụng BCH mà vui sống. “Tôi đã phải trải qua quá trình tìm kiếm khá khó khăn, vì nhiều trang web không có hình ảnh của người da đen hoặc bất kỳ thông tin nào về danh tính của người đồng tính. Ứng dụng BCH có thể kết nối người dùng với các cộng đồng phù hợp với mình. Khi được kết nối, các thành viên có thể nhắn tin cho nhau và chia sẻ ảnh. Đây là điều mà tôi yêu thích ở ứng dụng này, nó giúp mình tìm được bạn bè đúng theo sở thích, từ đó chúng tôi tạo ra một cộng đồng nhỏ chia sẻ với nhau về bệnh, sống chung với bệnh như một thói quen sống” – Hart khẳng định.
Ericka Hart |
Thư viện sống phong phú
Ứng dụng BCH không chỉ mang đến cơ hội kết nối với những người sống sót khác mà còn có một mục được chỉ định cho phép người dùng tìm kiếm các bài báo được xem xét bởi các chuyên gia y tế. Từ lối sống và tin tức về chẩn đoán, phẫu thuật, điều trị, sức khỏe tâm thần và tự chăm sóc, đến thông tin về các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu ung thư vú mới nhất.
Thêm vào đó, ứng dụng còn có thêm những câu chuyện cá nhân và lời chứng thực từ những người sống sót sau ung thư vú.
Crollman cho biết cô thích việc có các bài viết và nội dung liên quan ở cùng một nơi trong cùng một cộng đồng. “Nó như là một thư viện phong phú, phụ vụ tất cả các nhu cầu về cảm xúc và cách điều trị của những người bị ung thư vú” - Crollman nói.
Hart nhấn mạnh: “Người dùng ứng dụng có quyền truy cập vào tất cả các thông tin này ngay trên điện thoại mà không cần thiết bị hỗ trợ hay trả phí là một điểm cộng lớn. Ngày nay, mọi người đều có điện thoại trong túi và ứng dụng có thể làm mọi thứ - mang lại cho chúng tôi các bài báo, kết nối chúng tôi với mọi người cả công khai và riêng tư, thậm chí cả các chuyên gia. Cái cách mà chúng tôi kết nối các hình thái như công nghệ đều vì cùng một lý do: những người có cùng hoàn cảnh muốn tìm thấy nhau”.