Ngày 30/3, ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết bộ này tiếp nhận các thông tin cho thấy, giá đất tăng ở các địa phương, gây hiện tượng "sốt ảo" làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế và triển khai các dự án đầu tư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, TP HCM, Tổng cục sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...
Bộ Xây dựng hôm nay cũng cho biết, ngày 25/3 đã yêu cầu các địa phương kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương sẽ phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...
Trước đó, Hà Nội cũng yêu cầu không để trục lợi, đầu cơ đất đai khi quy hoạch sông Hồng. Hạ Long rà soát việc chứng thực các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Bắc Giang yêu cầu UBND cấp xã các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo" phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn. Tỉnh này cũng sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý các tổ chức cá nhân có hành vi môi giới, kinh doanh sai quy định tại các khu vực có dự án khu đô thị, khu dân cư...
Để chấn chỉnh giá đất, ngoài tăng cường quản lý các dự án bất động sản, nhất là các dự án hình thành trong tương lai, một số giải pháp khác được nêu như kiểm tra các hoạt động môi giới; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tách thửa... Các địa phương cũng cần kiểm soát giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất.
Ở nhiều địa phương, Hội Môi giới bất động sản cho biết đã xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí có trường hợp lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện các trường hợp rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn... Nhiều "cò mồi" thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Theo các chuyên gia, một số nguyên nhân làm tăng giá đất gần đây, như: khung giá đất được các địa phương đồng loạt điều chỉnh tăng 15-20%; nguồn cung hạn chế do việc phê duyệt đầu tư tự án chưa có tín hiệu khả quan, trong khu nhu cầu nhà ở rất lớn, đặc biệt với các phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội, dự án đất nền. Tiếp đến, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Chưa kể, lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.
Trước hiện tượng này, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính khuyến nghị lãnh đạo các địa phương vào cuộc và có trách nhiệm ngăn ngừa hiện tượng sốt đất ảo. Ngoài ra, cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hoá quy hoạch. Điều này nhằm giúp cho người dân thuận tiện tra cứu thông tin sản phẩm bất động sản. Đồng thời, cần quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.