Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa công bố Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (CCQ) và chứng quyền có bảo đảm (CW) lớn nhất quý IV và cả năm 2020. Kết quả, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên cả hai danh sách, với lần lượt 11,65% và 12,33%, chính thức xác lập quý thứ 8 liên tiếp và năm thứ 7 liên tiếp dẫn dầu thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ và CW trên HOSE.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại năm 2020 bằng một quý IV ấn tượng với những bước tăng trưởng nhảy vọt. Kết thúc tháng 12/2020, VN-Index tăng 100,79 điểm (10,05%) so với cuối tháng 11, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020 tại 1.103,87 điểm, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất tháng 12 (Theo IndexQ). Tính chung cả năm 2020, dù trải qua một đợt lao dốc mạnh trong quý 1/2020 do bị tác động bởi dịch Covid-19 nhưng sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi phục mạnh. Mức tăng gần 15% của VN-Index trong năm 2020 là gấp đôi mức tăng 7,7% của chỉ số này trong cả năm 2019. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 12, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới đạt kỷ lục kể từ khi thị trường hoạt động với 63.629 tài khoản, tăng 53,3% so với tháng trước đó. Tại ngày 31/12/2020, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam là hơn 2,77 triệu, tăng 396.515 tài khoản so với cuối năm 2019. Cùng với xu hướng ồ ạt mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán, thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức cao. Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, việc CTCP Chứng khoán SSI tiếp tục giữ vững vị trí số 1 trên bảng xếp hạng thị phần cho thấy mức độ tin tưởng của nhà đầu tư với SSI. Đây cũng là kết quả của một chiến lược hoạt động rõ ràng, đảm bảo nguồn vốn, hướng tới giao dịch và được quản trị rủi ro nghiêm ngặt – bao gồm danh mục ký quỹ, hạn mức cấp, tỷ lệ là mức phù hợp nhất, đảm bảo an toàn cho cả SSI lẫn khách hàng khi vay.
SSI cũng nhìn nhận được tiềm năng thị trường nên cũng đẩy mạnh phát triển khách hàng mới thông qua các công cụ như mở tài khoản trực tuyến, đạt được kết quả rất khả quan. Cao điểm, tài khoản mở mới thông qua hình thức trực tuyến chiếm đến 70% tống số tài khoản mở mới tại SSI. Qúy 4, số lượng tài khoản mở mới tại SSI tăng 78% so với quý 3, đạt mức 10.889 tài khoản, đưa tổng số lượng tài khoản mà SSI đang quản lý lên mức 196.100 tài khoản, trong đó có 193.788 tài khoản NĐT cá nhân và 2.312 tài khoản NĐT tổ chức.
Qúy 4, dư nợ của SSI tăng trưởng 48% so với quý 3/2020. Dư nợ bình quân trong tháng 12 lên đến 7.600 tỷ VNĐ, cao nhất đạt trên 10.000 tỷ VNĐ, tăng đến 84% so với mức bình quân của quý 3. Dù mức tăng lớn nhưng với chiến lược hoạt động bền vững, nền tảng nguồn vốn lớn nhất thị trường, SSI vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của NĐT cũng như quản trị tốt rủi ro, bảo vệ tài sản cho NĐT trước mọi biến động.
Với vị thế là Công ty chứng khoán số 1 thị trường, SSI sẽ luôn nỗ lực để tiếp tục duy trì vị thế cũng như sự tin tưởng của khách hàng dành cho mình trong giai đoạn phát triển sắp tới, từ đó tiếp tục vai trò xây dựng thị trường chứng khoán thành nơi huy động vốn cho nền kinh tế và là kênh giữ tài sản của nhà đầu tư, thực hiện sứ mệnh “Kết nối vốn và cơ hội đầu tư”.