Khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9 hằng năm, nhãn lồng Hưng Yên mới chín và cho thu hái. Tuy nhiên, thời điểm này tại Hà Nội, nhãn “nhái” thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên được bày bán nhan nhản. Không chỉ bán tại các chợ truyền thống, nhãn “nhái” nhãn lồng Hưng Yên còn được bán ở dọc các vỉa hè trên nhiều tuyến phố, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Tại các khu chợ như Thái Hà, Mễ Trì, Giáp Bát, nhãn được bày bán với giá khá rẻ chỉ từ 25.000 – 40.000 đồng/kg. Hầu hết, khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ của nhãn bày bán nhiều người khẳng định đây là nhãn lồng Hưng Yên chín sớm. Một số ít người bán nói rằng, đây là nhãn ở các vùng quê ngại thành Hà Nội. Về cơ bản, nhìn bề ngoài nhãn được bán tại đây quả nhỏ, có vỏ sần sùi. Khi ăn thử, nhãn không ngọt, thơm, cùi chưa dày, khác biệt với nhãn lồng Hưng Yên khi đến mùa. Khi hỏi những người bán về việc nhãn lồng Hưng Yên sao lại có mức giá khá rẻ chỉ khoảng 25.000 đồng/kg, nhiều người cho biết, giá nhãn rẻ do năm nay được mùa.
Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, nhãn lồng tại Hưng Yên chưa chín, hiện mới bắt đầu vào cùi, có vị ngọt và phải chừng một tháng nữa nhãn mới chín rộ. Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, một người trồng nhãn lồng tại huyện Khoái Châu – Hưng Yên cho biết: Gần một tháng nữa mới có nhãn lồng Hưng Yên bán ra thị trường. Năm nay nhãn được mùa, sản lượng cao hơn năm trước. Có thể, giá thành khi nhãn chính vụ sẽ rẻ hơn năm 2017. Tuy nhiên, cũng không có mức giá 25.000 đồng/ kg bởi nhãn lồng Hưng Yên phần lớn dành cho xuất khẩu và chế biến công nghiệp.
“Nếu bây giờ tại Hà Nội mà bán nhãn lồng Hưng Yên bán mức giá 25.000 đồng một kg thì chắc chắn chỉ là nhãn đội lốt mà thôi. Ítt nhất cũng phải qua tháng 8 nhãn mới chín” bà Nguyệt nói.
Theo bà Nguyệt, dù có được mùa nhưng giá rẻ nhất của nhãn lồng Hưng Yên cũng phải rơi vào khoảng 50.000 đồng một kg. Riêng nhãn cổ thụ, nhãn đặc sản cũng phải có giá 100.000 đồng một kg.
Còn theo ông Nguyễn Bắc Hà, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp tại huyện Khoái Châu, cho rằng người dân nên biết cách phân biệt nhãn Hưng Yên thật và nhãn Hưng Yên nhái để mua được nhãn chính hãng và không bị đội giá.
“Nhiều người nghe nói nhãn lồng Hưng Yên, tưởng mua được nhãn lồng chuẩn giá rẻ, nhưng thực ra đó là nhãn quê ở các vùng lân cận. Nhiều tiểu thương họ cố tình nói "nhãn lồng Hưng Yên" là để bán cho được giá”, ông Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, nhãn lồng Hưng Yên có hai dẻ cùi lồng xếp khít vào nhau, ngọt và thơm cùng với đó hạt đen láy, vỏ nhãn dày, màu vàng sậm.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm nay, nhìn chung sản lượng nhãn tăng cao so với những năm trước. Để việc tiêu thụ nhãn thuận lợi, hiện hai tỉnh Sơn La và Hưng Yên đang rốt ráo đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại. Dự kiến, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8 sẽ có hàng loạt các sự kiện được tổ chức nhằm tiêu thụ nhãn.
Với tỉnh Sơn La, dự kiến địa phương sẽ tổ chức tuần lễ nhãn và nông sản an toàn năm 2018 từ ngày 14 đến 20-7, ngày hội nhãn Sông Mã từ 28 đến 30-7, hội nghị xúc tiến xuất khẩu và hội chợ nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2018 từ 30-8 đến 8-9. Các sự kiện này sẽ diễn ra tại tỉnh Sơn La. Tại Hà Nội, tỉnh Sơn La sẽ tổ chức tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La từ 19 đến 22-7, 10 đến 12-8, 17 đến 19-8, 24 đến 26-8; hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn và tuần lễ nhãn, nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 từ ngày 3 đến 10-8-2018. Sự kiện Hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn La, Việt Nam năm 2018 từ 27 đến 30-7-2018 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc.
Đối với tỉnh Hưng Yên, dự kiến địa phương sẽ tổ chức hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hưng Yên trong 2 ngày (khoảng từ 10 đến 20-7, thời điểm nhãn sớm được thu hoạch); lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 từ 30-7 – 5-8; hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và các sản phẩm nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2018 trong 1 ngày; phiên chợ nhãn lồng (2 ngày, trong khoảng 15 – 19-8). Các sự kiện này sẽ được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong 1 ngày.