Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta đã xuất hiện nhiều nữ tri thức có những đóng góp nhất định vào công cuộc dựng nước, giữ nước. Dựa trên từng yêu cầu cụ thể của thời đại cũng như điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, những người phụ nữ tri thức đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí xã hội của mình.
Để có thể nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, khách quan và khoa học về những nỗ lực phấn đấu của nữ trí thức Việt Nam cần có một quá trình khái lược qua những người phụ nữ tri thức tiêu biểu của từng giai đoạn lịch sử đất nước. Kể từ khi Nhà nước phong kiến tập quyền Đại Cồ Việt ra đời vào năm Mậu Tuất đã đánh dấu cho sự bắt đầu của các triều đại phong kiến khác nhau ở Việt Nam sau nghìn năm Bắc thuộc.
Đối với xã hội phong kiến, vai trò người đàn ông được xã hội thừa nhận, đặt ở vị trí hàng đầu còn người phụ nữ luôn được xếp phía sau với vai trò “nâng khăn sửa túi”. Bởi vì chủ trương Nho giáo hướng đến xây dựng ý thức tôn ti trật tự xã hội một cách rõ ràng từ gia đình đến xã hội, là mỗi người đều thuộc về một đẳng cấp khác nhau, có vị trí, vai trò khác nhau mà không ai có thể đi ngược lại. Mục tiêu của việc học tập chính là làm sáng tỏ những lễ giáo đó, để con người biết còn ứng xử cho đúng đắn.
Người phụ nữ từ đời này sang đời khác không biết đến quyền thụ hưởng và quyền lợi của mình mà chỉ biết đến thực hiện chu toàn nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình. Họ gắn chặt với “phu xướng phụ tùy”, phải nằm lòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Những lễ giáo của đạo Nho trói chặt người phụ nữ với nhiều quy định, nhiều chuẩn mực nghiêm khắc xoay quanh các mối quan hệ ứng xử khác nhau nên để tiến đến khát vọng được theo nghiệp bút nghiên học hành là điều không thể trong xã hội bấy giờ. Nho giáo coi thường, xem nhẹ việc đào tạo phụ nữ. Kinh văn Nho giáo từ thời Khổng Tử cho đến những người học trò của ông đều không nhắc đến việc học của người phụ nữ chỉ vì học tập, thi cử là đặc quyền của riêng đàn ông.
Tuy nhiên, suốt hàng thế kỷ ở xã hội phong kiến Việt Nam cũng đã có những người phụ nữ dám vượt lên sự kìm hãm của tư tưởng Nho giáo để nâng cao trình độ của mình. Đó là tấm gương tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Hinh (Bà huyện Thanh quan)...
Sử sách chép lại rằng Nguyễn Thị Lộ có tư chất thông minh, tinh thông kinh văn Nho học khi nhỏ tuổi. Sau này được triều đình giao cho nhiệm vụ truyền dạy những lễ nghi, phép tắc của cung đình cho các cung tần, mĩ nữ chính vì thế nên bà còn được biết với tên gọi Lễ nghi học sĩ của nhà Lê.
Đối với lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Nguyễn Thị Lộ được biết nhiều với tư cách là nữ quan đầu tiên thì trong lịch sử khoa bảng của thời kỳ này không thể nói đến tài năng của nữ tiến sĩ duy nhất là Nguyễn Thị Duệ. Sinh ra trong gia đình có tư tưởng tiến bộ nên các cụ thân sinh từ chối mọi lời ướm hỏi đính ước, ủng hộ bà theo đuổi việc học tập. Vì thế sau khi lấy tên Nguyễn Ngọc Du, cải trang thành nam nhi bà đã liên tục đỗ đầu các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Chính vì cảm quý tài năng của Nguyễn Thị Duệ nên bà được tha tội chết. Về sau trải qua biết bao biến cố thăng trầm song ở hoàn cảnh nào người phụ nữ đó vẫn toát lên khí chất cao quý với nỗ lực là phát triển việc giáo dục, mở rộng quyền được học tập cho muôn người.
Bà Nguyễn Thị Hinh – tác giả của bài thơ nổi tiếng Qua đèo ngang lại là người có tài năng thiên bẩm về sáng tác thơ. Những bài thơ Nôm của Bà huyện Thanh quan toát lên sự điêu luyện về niêm luật, trau chuốt từng vần điệu và rất giàu tính biểu cảm. Vua Tự Đức mời bà vào cung đảm nhiệm việc dạy cho các công chúa và các cung nữ về văn chương, nghi lễ.
Việt Nam ở vào thời kỳ thuộc địa nửa phong kiến, mặc dù chưa thật đông đảo về số lượng nhưng cũng ghi dấu nhiều phụ nữ đã khẳng định được vai trò của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ đã dám đấu tranh vượt qua những rào cản của khuôn mẫu Nho giáo, với trách nhiệm là “hậu phương” với nhiệm vụ chăm lo, vun vén cho gia đình để đòi quyền lợi cho mình. Các chị tự khẳng định vai trò của mình bằng việc tiến xa hơn khi tốt nghiệp các chương trình giáo dục thuộc các cơ sở đào tạo trong nước như Lê Thị Hoàng (Cao đẳng Y Hà Nội), Phạm Thị Mỹ (Cao đẳng Sư phạm Hà Nội), Phan Thị Liệu (Cao Đẳng Canh nông Hà nội) cho đến các cơ sở ngoài nước như Henriette Bùi (Đại học Y khoa Pari), Nguyễn Thị Châu (Đại học Pari)...
Quyền được lựa chọn, sống như mong muốn của cá nhân mình với sự tự khẳng định giá trị người phụ nữ trí thức độc lập, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Đó là những dấu hiệu khởi đầu cho việc vượt lên đạo đức Nho giáo truyền thống, bước đầu chuẩn bị cho sự đấu tranh vì bình quyền nam nữ sau này để từng bước làm chuyển biến nhận thức xã hội về người phụ nữ.
Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, Bác Hồ đã trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài rằng: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.
Sự quan tâm đó đã tạo nên cơ hội mới giúp những nữ tri thức có thể phát huy hết những năng lực của mình. Đảng, Bác Hồ đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối quyết tâm biến tư tưởng đó thành chính sách cụ thể, thành hiện thực trong cách mạng.
Kế thừa quan điểm đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Theo đó, đội ngũ trí thức nữ ngày càng gia tăng số lượng và vững mạnh về chất lượng khi có nhiều chị em đã đạt nhiều thành tích to lớn trên các lĩnh vực khác nhau. Đội ngũ nữ trí thức Việt Nam ngày càng đào tạo bài bản, có trình độ chuyên sâu về nhiều lĩnh vực khác nhau với độ tuổi từ 20 - 80. Số lượng nữ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư ngày càng nhiều thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau thậm chí có những lĩnh vực trước đây thế mạnh thiên về nam giới như công nghệ số, kỹ thuật quốc phòng...
Kết quả kỳ bầu cử Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh có tỷ lệ nữ hơn 28%. Sự đóng góp không biết mệt mỏi của các nữ trí thức được vinh danh ở các giải thưởng khác nhau. Chương trình Giải thưởng Khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2023 cho 03 nữ khoa học trẻ thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, khoa học sự sống là TS. Trần Thị Kim Chi; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài; PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung. Ngay tại lễ trao giải thưởng Women of the Future Awards Southeast Asia 2023, TS Hà Thị Thanh Hương được trao giải ở hạng mục Khoa học, công nghệ và kỹ thuật số....
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ nữ trí thức với những giải pháp đột phá là một đòi hỏi cấp thiết. Sự tự phấn đấu học tập, rèn luyện đem đến phong thái tự tin cùng những đam mê với mong muốn được cống hiến cho xã hội sẽ là động lực to lớn giúp những người nữ trí thức ngày trở nên lực lượng quan trọng cho đất nước. Họ đã, đang tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để cùng với phụ nữ cả nước thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ đã từng căn dặn.