“Các cơ quan báo chí hầu như không hề sẵn sàng trước đại dịch lớn như COVID-19. Nhiều nhà báo được cử đến vùng dịch đưa tin mà không có thiết bị bảo hộ đầy đủ hoặc được yêu cầu làm việc từ nhà nhưng lại không có đầy đủ các kỹ năng hoặc hướng dẫn về kỹ thuật số.
Các liên đoàn và hiệp hội nhà báo cần thích nghi nhanh chóng với nguồn lực hạn chế để đóng vai trò hỗ trợ người làm báo trong thời điểm khó khăn này” - chia sẻ từ bà Petit Camille Petit, Liên đoàn các nhà báo châu Âu, tại hội thảo. Theo bà Petit, “trong những thời điểm như hiện tại, báo chí là phương tiện truyền thông thông tin cần thiết đối với người dân, giúp họ nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến sự an toàn và sức khỏe của chính mình.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông ở Đông Nam Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn trong tài chính và không thể cung cấp cho nhân viên những điều kiện làm việc thuận lợi nhất. Truyền thông chuyên nghiệp không chỉ là vấn đề liên quan đến đạo đức trong việc đưa tin, mà còn phụ thuộc vào sự tôn trọng quyền lao động của các nhà báo”.
Một số tổ chức truyền thông trong khu vực đã tiến hành các cuộc khảo sát với các nhà báo, và cho kết quả tương tự. Bà Getoarbë Mulliqi-Bojaj, đại diện Hiệp hội các nhà báo của Kosovo cho biết: “Ngoài việc không được chuẩn bị đầy đủ để tác nghiệp, nhiều nhà báo còn nhìn thấy tác động của đại dịch đối với lương và điều kiện làm việc của họ. Làm ngoài giờ không lương, giảm lương là những mối quan tâm chính đối với các liên đoàn nhà báo khác trong khu vực”.
Trong số các phương tiện truyền thông, bị ảnh hưởng nặng nề nhất là báo in, ghi nhận lượng phát hành giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch. Ông Rigels Lenja từ Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp của Albania (APJA) phát biểu: “Tờ báo lớn nhất và lâu đời nhất trong nước đã ngừng bản in và chuyển hoạt động sang dạng trực tuyến.
Tuy nhiên, nhiều nhà báo không được trang bị để làm việc trực tuyến, dẫn đến giảm khả năng tác nghiệp”. Cùng với nguy cơ giảm doanh thu quảng cáo trong đại dịch, những vấn đề này càng làm tăng thêm sức nặng cho khái niệm về kỷ nguyên “tuyệt chủng truyền thông”.
Trong bối cảnh hiện tại, công việc của các liên đoàn nhà báo và các tổ chức truyền thông là rất quan trọng để đảm bảo khả năng tồn tại độc lập của báo chí.
Ba hội thảo trực tuyến tiếp theo cũng được lên kế hoạch. Hội thảo trực tuyến thứ hai tập trung vào việc giám sát các vi phạm và việc thực thi quyền lao động của các nhà báo. Hội thảo thứ ba tập trung vào các phương pháp tốt nhất, nâng cao các sáng kiến thành công trong lĩnh vực quyền lao động và tự do truyền thông ở châu Âu.
Hội thảo cuối cùng diễn ra vào ngày 26/11, trong đó các đại biểu sẽ thảo luận về các kế hoạch hành động và khuyến nghị cụ thể liên quan đến việc gây quỹ, tuyển dụng, chiến dịch vận động trong thời gian diễn ra COVID-19 và nâng cao năng lực của các hiệp hội nhà báo.