Các nhà kinh tế và chuyên gia phân tích ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ đã được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản khảo sát tác động của công nghệ mới nổi.
Trong số 18 nhà kinh tế đã trả lời câu hỏi về AI, 14 người nói rằng tác động tổng thể của công nghệ này sẽ là tích cực, kỳ vọng năng suất sẽ tăng lên thông qua tự động hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tại Ấn Độ và Indonesia lại có quan điểm tiêu cực về AI, với lý do tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở hai nước này tương đối cao.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, mặc dù tăng trưởng kinh tế ổn định, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 15 đến 24 ở Ấn Độ và Indonesia vào năm ngoái lần lượt là 23% và 13%.
Chuyên gia Josua Pardede của Ngân hàng Permata tại Indonesia cho biết: “Do Indonesia vẫn cần đáp ứng nhu cầu việc làm cho dân số trong độ tuổi lao động trong thời gian ngắn, nên việc tăng tốc tự động hóa có thể dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ lao động thấp hơn".
Ông Punit Srivastava của công ty tài chính Daiwa Capital Markets có trụ sở tại Ấn Độ đã chỉ ra rằng tại Nam Á, nhân lực thuộc các lĩnh vực như "sáng tạo nội dung, quảng cáo và đào tạo công nghệ thông tin" đang có nguy cơ thất nghiệp.
Mitzie Irene Conchada của Đại học De La Salle ở Philippines cho biết: “Quá trình chuyển đổi đồng nghĩa với việc một số công việc biến mất. Một tác động tiêu cực khác đó là một số sinh viên sẽ không được trang bị kỹ năng làm việc cùng AI".
Mặt khác, cuộc khảo sát cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể mang lại lợi ích cho các nước tiên tiến như Singapore.
Ông Randolph Tan từ Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết: “Là một nền kinh tế tiên tiến với phần lớn lực lượng lao động đảm nhận các vai trò chuyên nghiệp, ChatGPT mang lại tiềm năng đáng kể để tăng cường năng lực cho lực lượng lao động nhỏ của Singapore”.
Bên cạnh việc làm, các nhà kinh tế lưu ý những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ AI như vi phạm bản quyền hoặc lan truyền tin giả. Chuyên gia Vincent Loo Yeong Hong tại Malaysia kêu gọi sự chú ý đến "sự gia tăng tỷ lệ đạo văn và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ".