Sau mưa bão, tình hình mắc bệnh Whitmore có xu hướng gia tăng. Để chủ động phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành triển khai thực hiện tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore đã được Bộ Y tế ban hành, báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin.
Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán do đó khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.
Đồng thời, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng chống bệnh.
Trao đổi với báo VnExpress, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết các ca Whitmore tăng đột biến từ sau đợt lũ lụt đầu tiên. Cụ thể, từ tháng 2 đến nay, Quảng Trị ghi nhận 30 ca Whitmore. Trong đó, 24 ca nhập viện từ ngày 14/10 đến nay. Hiện, 4 người tử vong
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết mỗi năm bệnh viện ghi nhận trên 10 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó chỉ một người tử vong. Riêng năm nay, sau nhiều đợt lũ liên tiếp, số ca bệnh Whitmore tăng đột biến do nước lũ phát tán vi khuẩn gây bệnh đi nhiều nơi.
Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Bệnh Whitmore chưa có vaccine dự phòng, nhưng người dân hoàn toàn có thể tránh và được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm.