Dự hội thảo có đại diện Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH); đại diện Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu; Tổ chức y tế thế giới…
Theo số liệu thống kê, tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước là vấn đề y tế cộng đồng. Mỗi năm ở nước ta có hơn 2.000 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước, trong đó hơn 77% số ca tai nạn đuối nước của trẻ em là ở cộng đồng (như ao, hồ, sông, suối, biển...).
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trẻ em bị tai nạn đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và là vấn đề xã hội nóng. Hàng năm tại Việt Nam có khoảng 2.000 sinh mạng trẻ em bị cướp đi do đuối nước...
Trước vấn đề này, cần tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của người lớn và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Từ đó có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích do đuối nước.
Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch.
Công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước được tiến hành đồng bộ, với nhiều hình thức phong phú và đạt được hiệu quả tích cực. Nhận thức của cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em được nâng lên, đã huy động được sự tham gia của toàn xã hội.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại) |
Tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và học sinh, sinh viên…
Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, chu đáo, cụ thể của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của đông đảo người dân, gia đình; đồng thời, mỗi gia đình phải thấy rõ trách nhiệm bảo vệ chính con em mình và được hỗ trợ, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cụ thể, hàng ngày để giám sát, quản lý trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) ghi nhận các ý kiến, chia sẻ bổ ích, thiết thực của các đại biểu về thực trạng, tầm quan trọng trong phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Đặc biệt là các đại biểu đã chỉ ra những giải pháp, đề xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị đuối nước ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Đinh Thị Mai yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương, cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ, nêu bật những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Công tác tuyên truyền phải đa dạng hình thức, chú trọng, vận dụng những cách tuyên truyền mới góp phần giảm đuối nước ở trẻ...