Đầu năm học 2019 - 2020, ngoài chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới diễn ra thành công, công tác ngăn chặn "lạm thu" tiền trường cũng quan trọng không kém. Dù trong thời gian qua, ngành giáo dục có nhiều chỉ đạo, biện pháp ngăn ngừa, xử lý song vẫn còn tiếp diễn.
Năm học này, xử lý "lạm thu" tiếp tục trở thành công tác trọng tâm của ngành giáo dục. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019 - 2020.
Trong đó, Bộ yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp hoặc gián tiếp buộc học sinh phải mua xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Đặc biệt, theo yêu cầu của Bộ, địa phương phải hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng "lạm thu"; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.
Trước đó, vào giữa tháng 7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong năm học 2019 - 2020.
Theo Công văn của Bộ GD&ĐT, thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 4/7/2019 của Văn phòng Chính phủ; để chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, Sở GD&ĐT thực hiện một số nội dung điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trong năm học 2019 - 2020.
Bộ nhấn mạnh, đảm bảo các điều kiện chất lượng và thu chi tài chính, thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm dụng, thu ngoài học phí.
Về công tác xử lý tình trạng lạm thu, theo báo cáo của Thanh tra Bộ GD&ĐT, năm học 2018 - 2019, thông qua các cuộc thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, từ đó kịp thời chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Có 11 sở đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính do đã phát hiện sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản như: chi sai, thu sai, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, trả lại cha mẹ học sinh. Đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu cơ sở giáo dục kiểm điểm rút kinh nghiệm cán bộ quản lý, giáo viên.
Ngoài ra, các đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong quản lý của một số phòng GD&ĐT như: quản lý thu, chi, dạy thêm, học thêm sai quy định; công tác xã hội hóa giáo dục sai quy định, gây bức xúc trong dư luận... Các kết luận thanh tra đã tác động tích cực tới hệ thống, góp phần làm cho công tác quản lý giáo dục của địa phương ngày một quy củ, nghiêm túc.
Liên quan tới công tác chấn chỉnh lạm thu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã vừa có buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa tuyệt đối không để xảy ra lạm thu trái phép, đồng thời khuyến khích áp dụng xã hội hóa theo hướng công khai minh bạch, trên cơ sở tự nguyện để tạo nguồn kinh phí cho sự nghiệp phát triển giáo dục.