Việc Website nội bộ của doanh nghiệp khai thác và cung cấp nội dung giống như một trang thông tin điện tử tổng hợp không chỉ làm độc giả nhầm lẫn các trang web này với cơ quan báo chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép mà còn khiến việc kiểm tra, xử lý tình trạng “báo hóa” (các trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí) của các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Website nội bộ “trá hình” trang tin điện tử?
Điển hình là trường hợp Website thông tin của Công ty CP Tập đoàn giải trí Đại Dương (OEG). Quá trình tìm hiểu cho thấy, trên trang web https://esports.oeg.vn của OEG, dù có ghi dòng chữ “sản phẩm chạy thử nghiệm, lưu hành nội bộ”; tuy nhiên tất cả nội dung trên trang web đều được mở chế độ công khai cho người đọc và được trình bày giao diện khai thác, cung cấp nội dung giống như một trang thông tin điện tử tổng hợp.
Đáng chú ý, dưới chân Website này cũng không hề nêu rõ nguồn gốc, tên công ty chủ quản, địa chỉ liên hệ... cùng những thông tin khác. Các bài đăng trên trang web đều không thực hiện việc dẫn nguồn tin.
Trên trang web https://esports.oeg.vn của OEG có ghi dòng chữ “sản phẩm chạy thử nghiệm, lưu hành nội bộ”. |
Truy cập trang web của Tập đoàn giải trí Đại Dương, có thể bắt gặp rất nhiều bài viết với các nội dung, chủ đề đa dạng từ game trong nước, quốc tế đến tin bài tiết lộ hình ảnh nhân vật cosplay xinh đẹp, cá tính cùng "thân hình bốc lửa"...
Ngoài ra, trang web cũng đăng tải thông tin cập nhật các giải đấu, cùng nhiều bài viết khai thác đời tư của nhân vật trong các đội tuyển game... Thậm chí, trang web này còn đăng tải nhiều nội dung quảng cáo về OEG Stadium - sàn thi đấu thể thao điện tử với hệ thống phòng máy quy mô tầm cỡ và trang thiết bị hiện đại.
Theo nội dung đăng tải trên trang web, OEG Stadium không chỉ là nơi để tổ chức các giải đấu eSports chuyên nghiệp, mà còn sở hữu cơ sở hạ tầng chất lượng hỗ trợ game thủ trong quá trình thi đấu và rèn luyện.
Tuy nhiên, trang web lại đăng tải nhiều thông tin, nội dung công khai cho người đọc và được trình bày giao diện giống như một trang thông tin điện tử tổng hợp. |
Ai đứng sau đế chế hệ sinh thái game Esports OEG?
Thông tin đăng tải trên trang web nói trên cho thấy, chủ tịch của Tập đoàn giải trí Đại Dương (OEG) là doanh nhân Đỗ Bình Dương (sinh năm 1987) – thường được nhiều người biết đến với những biệt danh như “Dương Đỗ” hay “Dương Kon”. Ngoài ra, ông Dương cũng khá nổi tiếng khi được nhiều người gắn mác “đại gia chơi siêu xe” khi sở hữu hàng loạt mẫu siêu xe, xe siêu sang thuộc loại hiếm có ở Việt Nam.
Công ty CP Tập đoàn giải trí Đại Dương (OEG) được thành lập vào ngày 07/06/2022, có trụ sở đăng ký kinh doanh tại 131 Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội); người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Anh Tuấn (sinh năm 1984) - Giám đốc công ty.
Ngành nghề kinh doanh chính theo đăng ký kinh doanh là: lập trình máy vi tính, tư vấn quản trị hệ thống máy vi tính. Ngoài ra, OEG còn đăng ký ngành nghề kinh doanh ở lĩnh vực giải trí, cụ thể là hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; giáo dục thể thao và giải trí; cổng thông tin...
Liệu rằng Website https://esports.oeg.vn có thực sự là trang web lưu hành nội bộ của OEG như những gì doanh nghiệp này đã ghi chú ở dưới chân trang? |
Ngay từ năm đầu thành lập, OEG cũng có màn “chào sân” khá hoành tráng trong vai trò nhà tổ chức đã đồng hành cùng với VTC và Microsoft triển khai hệ thống các giải đấu dành cho AOE tại Việt Nam. Cuối năm 2023, tại OEG Stadium (Trung tâm thương mại Chợ Mơ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) OEG, kdKOO và The Match Lab đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển toàn diện Thể thao điện tử tại Việt Nam với sự ra mắt dự án Esports Academy.
Sự kiện khai trương quy tụ nhiều KOLs nổi tiếng, rapper như JasonDilla và Spideyboy... và cả cộng đồng game thủ. Đáng chú ý, Chủ tịch của OEG - Dương Đỗ còn có màn chào sân ấn tượng bằng bộ sưu tập siêu xe của mình để mọi người có thể chiêm ngưỡng, chụp ảnh check in như một lời cảm ơn tới game thủ. Được biết, tổng chi phí cho lễ Grand Opening vượt qua con số 1 tỷ đồng - quy mô chưa từng xảy ra trước đây. Tuần lễ Grand Opening OEG Stadium diễn ra xuyên suốt từ ngày 23 - 29/06/2024.
Có một điều khó hiểu là trong danh sách ngành nghề kinh doanh của OEG đăng ký không hề có mục nào ghi hoạt động báo chí, trang tin điện tử nhưng website esports.oeg.vn dù ghi sản phẩm chạy thử, lưu hành nội bộ nhưng vẫn mở chế độ công khai cho người đọc và trình bày giao diện khai thác nội dung giống trang tin điện tử.
Chân dung ông Đỗ Bình Dương - vị chủ tịch đứng sau Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OEG), theo nội dung tự giới thiệu trên Website https://space.oeg.vn/. |
Ghi nhận đăng ký kinh doanh, OEG có 5 cổ đông sáng lập với tổng vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng trong đó Công ty cổ phần Đại Dương góp 5 tỷ (tỷ lệ 50%). Còn lại do các cá nhân gồm ông Đoàn Minh Hải (5%), Đào Quang Hưng (15%), Cao Bảo Ngọc (20%), Bùi Anh Tuấn (10%). Theo cập nhật đăng ký kinh doanh mới nhất, OEG đã nâng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng, tuy nhiên cơ cấu cổ đông cụ thể không được công bố.
Trong số các cổ đông sáng lập của OEG, Công ty CP Đại Dương là cái tên đáng chú ý không hề xa lạ trên thị trường kinh doanh tại thời điểm hiện nay với nhiều thương vụ mua bán sáp nhập đình đám. Theo tìm hiểu, pháp nhân này là hạt nhân trong hệ sinh thái đa ngành thuộc Tập đoàn Đầu tư Tài chính & Xây dựng Đại Dương (Ocean Group) của doanh nhân Đỗ Văn Bình. Công ty thành lập vào tháng 9/2007. Tính đến tháng 6/2021, vốn điều lệ công ty đạt 600 tỷ đồng. Hiện tại, phu nhân của ông Đỗ Văn Bình - bà Lưu Thị Chung là Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc
Không chỉ có Công ty Đại Dương, hệ sinh thái Ocean Group còn có nhiều công ty thành viên hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, bất động sản.
Trong trường hợp trang web nội bộ của công ty nhưng lại đăng thông tin, nội dung ngoài hoạt động của công ty sẽ bị cho là vi phạm nếu không tuân thủ các quy định pháp luật liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí 2016… Còn nếu trong trường hợp doanh nghiệp thiết lập trang web lưu hành nội bộ nhưng có giao diện, sử dụng như một trang thông tin điện tử tổng hợp khi chưa được cấp phép là vi phạm Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT.
Cũng theo Luật sư Đoàn Thị Phương Thảo, theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngoài các sự kiện nhỏ như tiệc sinh nhật, tiệc thôi nôi, họp lớp hoặc các sự kiện mang tính chất cá nhân không gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự công cộng thì tất cả các chương trình và sự kiện của doanh nghiệp, tổ chức như chương trình biểu diễn, ghi hình ca nhạc, cuộc thi sắc đẹp, họp báo, hội thảo, sự kiện ra mắt sản phẩm.... đều phải xin giấy phép tổ chức sự kiện.
Giấy phép tổ chức sự kiện là cơ sở pháp lý được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo chương trình diễn ra hợp pháp, đúng theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cần nộp hồ sơ xin giấy phép từ cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi tổ chức chương trình ít nhất 10 ngày.
Trong trường hợp sự kiện không được cấp phép hoặc bị từ chối cấp giấy phép nhưng vẫn tổ chức sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật không được cấp phép theo quy định sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa.