Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,91%, tổng giá trị sản phẩm đạt 52.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43 triệu đồng/năm, vượt kế hoạch đề ra là 39,82 triệu đồng.
Mặc dù còn khó khăn, nhưng Đồng Tháp đã vượt thu ngân sách 7% so với năm 2017, đóng góp vào kết quả chung thu ngân sách của cả nước trong năm ngoái, đồng thời đầu tư vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn hàng trăm tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,28%, thấp hơn bình quân của cả nước đang ở mức 5%.
Hết quý I/2019, kinh tế của Đồng Tháp tiếp tục có bước tăng trưởng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ, thu ngân sách. Tình hình an ninh, chính trị tiếp tục ổn định.
Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, đội ngũ lãnh đạo của tỉnh đang nỗ lực thực hiện là chuyển tư duy của bà con nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp và đã đạt kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, kinh tế của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi “cú hích” là hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư đầy đủ, gây cản trở tới phát triển của Đồng Tháp nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
“Đồng Tháp là tỉnh ngập sâu nhất tới 4,5-5m, ngập lâu nhất nên không có hạ tầng thì khó thu hút được các nhà đầu tư nhà máy; chưa kể tới hệ thống giao thông còn hạn chế để kết nối với Cần Thơ, TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ”, ông Hoan bày tỏ và cho biết 4 quốc lộ đi qua Đồng Tháp đã xuống cấp, lạc hậu, không rộng bằng đường tỉnh.
Do đó, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới An Hữu-Cao Lãnh, cầu Sở Thượng 2 trên tuyến Quốc lộ N1 và dự án Quốc lộ 30 đoạn tuyến tránh thành phố Cao Lãnh.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đánh giá kết quả kinh tế-xã hội toàn diện của tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này đến từ sự chủ động vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành và người nông dân của Đồng Tháp trong nhiều năm qua.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với những trăn trở của Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan về những yếu kém của hạ tầng đã hạn chế hiệu quả của những nỗ lực trong cơ cấu lại nông nghiệp, thu hút các nhà đầu tư các cơ sở chế biến lớn trong vùng ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh nhanh chóng làm việc với Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để tính toán kế hoạch, phương án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, triển khai dự án cao tốc An Hữu-Cao Tốc theo hình thức PPP, Bộ KH&ĐT bố trí vốn để Bộ GTVT hoàn thành dứt điểm Quốc lộ 30 tuyến tránh Cao Lãnh, sử dụng vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để triển khai dự án cầu Sở Thượng 2 để tạo sự lan toả cho kinh tế của Đồng Tháp và các tỉnh lân cận.
Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp quán triệt thực hiện Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó coi trọng vấn đề quản trị nguồn nhân lực; không ngừng nỗ lực cải cách hành chính để giữ vững và tiến tới dẫn đầu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.