"Tàu đổ bộ đã tách khỏi động cơ đẩy trên quỹ đạo Mặt trăng vào sáng sớm thứ Hai sau khi được các kỹ sư tại Trung Quốc điều khiển và sẽ hạ cánh vào một thời điểm thích hợp", đài truyền hình CCTV đưa tin. “Tất cả các hệ thống của sứ mệnh Hằng Nga 5 đang hoạt động trong tình trạng tốt, việc liên lạc với và điều khiển từ Trái đất cũng diễn ra suôn sẻ".
Phi thuyền của Trung Quốc đã giảm tốc hai lần vào thứ Bảy và Chủ nhật sau 112 giờ bay từ Trái Đất, tiếp cận thành công quỹ đạo Mặt trăng ở khoảng cách khoảng 200 km với mặt đất trước khi tách các phần để thực hiện nhiệm vụ thu thập mẫu vật.
Tàu đổ bộ Mặt trăng sẽ nhắm tới núi lửa Mons Rümker ở khu vực phía tây bắc có tên là Oceanus Procellarum, hay "Đại dương Bão tố".
Đây là khu vực có các hoạt động núi lửa cách đây khoảng 1,2 tỷ năm trước và có bề mặt đá trẻ. Những mẫu vật này dự kiến sẽ chứa thông tin về lịch sử gần đây của Mặt trăng so với các mẫu vật trước đây do người Mỹ và Liên Xô thu thập từ các khu vực cũ hơn.
Hằng Nga 5 sẽ khoan sâu tới 2 m xuống phần lõi để lấy đá và thu thập đất từ bề mặt bằng cách sử dụng một cánh tay robot, với mục tiêu thu thập 2 kg mẫu đất đá.
Trong thời gian chờ đợi, một phần tàu vũ trụ sẽ tiếp tục bay vòng quanh quỹ đạo Mặt trăng, đợi tàu đổ bộ kết thúc nhiệm vụ thu thập trước bay lên quỹ đạo và trở về Trái đất.
Tàu Hằng Nga 5 dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào giữa tháng 12. Trước đó, con tàu này đã được phóng vào ngày 24/11 từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam.
Đây là lần đầu tiên sau bốn thập niên, một quốc gia khởi động dự án thu thập mẫu vật trên bề mặt Mặt trăng.
Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Liên Xô mang về các mẫu vật từ Mặt trăng. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng cho sứ mệnh đưa các phi hành gia Trung Quốc lên Mặt trăng vào năm 2030.
Hằng Nga 5 đánh dấu giai đoạn thứ ba trong sứ mệnh Hằng Nga của Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) kể từ năm 2007.
Hằng Nga 1 và 2 đã phóng lên và quay quanh quỹ đạo Mặt trăng, trong khi Hằng Nga 3 thực hiện cuộc hạ cánh đầu tiên với tàu thám hiểm Yutu 1. Năm 2019, Hằng Nga 4 trở thành tàu thăm dò đầu tiên hạ cánh ở vùng tối của Mặt trăng.
Tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Mặt trăng, nước này đang lên kế hoạch thiết lập một trạm vũ trụ thường trực vào năm 2021 và đặt ra các sứ mệnh vươn tới các hành tinh khác, chẳng hạn như Sao Hỏa.