Đài truyền hình CCTV cho biết, tàu vũ trụ Hằng Nga-5 đã rời khỏi bề mặt Mặt trăng lúc 11 giờ 10 tối theo giờ Bắc Kinh.
Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết một module mang đất và đá đã lên quỹ đạo Mặt trăng sau khi kích hoạt một động cơ đẩy và sẽ ráp nối với phần còn lại của tàu vũ trụ để trở về Trái đất.
Các nhà khoa học hy vọng các mẫu vật này sẽ giúp họ tìm hiểu về nguồn gốc, sự hình thành và hoạt động của núi lửa trên bề mặt của Mặt trăng.
Nếu tàu vũ trụ trở về thành công, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba có mẫu vật từ Mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô. Lần gần nhất nhân loại cử tàu vũ trụ lên Mặt trăng thu thập mẫu vật là sứ mệnh Luna 24 của Liên Xô vào năm 1976.
Tàu vũ trụ Hằng Nga-5 sẽ thu thập 2kg đất, đá trong một khu vực chưa được khám phá trước đây của Mặt trăng được gọi là "Đại dương Bão tố".
Theo NASA, các mẫu vật sẽ được đưa trở lại Trái đất trong một tàu vũ trụ được lập trình để hạ cánh xuống khu vực Nội Mông, miền bắc Trung Quốc.
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các kế hoạch cho “giấc mơ không gian” của Trung Quốc đã được nhanh chóng triển khai. Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp Mỹ và Nga để trở thành một cường quốc không gian.
Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970. Tới năm 2003, Yang Liwei đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên du hành ngoài vũ trụ.
Một tàu thám hiểm của Trung Quốc đã hạ cánh ở vùng tối của Mặt trăng vào tháng 1 năm 2019, thúc đẩy khát vọng trở thành siêu cường không gian của Bắc Kinh.