Cụ thể, một đường ống trên tàu đã bị vỡ và nước biển đã tràn vào bên trong tàu khi đang di chuyển từ Portsmouth đến Scotland vào tháng 3 vừa qua, trong chuyến kiểm tra thử nghiệm các tính năng của tàu. Hải quân Anh đã phải rút ngắn cuộc thử nghiệm và đưa tàu trở về cảng để đảm bảo an toàn cho tàu cũng như tiến hành điều tra nguyên nhân sự cố.
Phát ngôn viên của Hải quân Anh cho biết sự cố đã được nhanh chóng sửa chữa để kịp triển khai theo đúng thời gian dự kiến trong hành trình đầu tiên đến khu vực Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trước đó, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng đã gặp một số vấn đề. Tháng 7/2019, con tàu đã phải quay lại cảng sau khi xuất hiện lỗ hổng khiến nước dâng cao tại một số khoang. Năm 2017, các thợ lặn cũng đã phải sửa chữa một vết thủng khác gần trục các chân vịt.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và tàu sân bay HMS Prince Wales là hai tàu sân bay lớn nhất được đóng mới cho Hải quân Anh nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng này trong thập kỷ tới. Trong Đánh giá Tích hợp về quốc phòng, an ninh, phát triển và ngoại giao được Chính phủ Anh công bố vào ngày 16/3, nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được coi là biểu tượng của chính sách đối ngoại hướng trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tầm nhìn chiến lược “Nước Anh toàn cầu” sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Tàu HMS Queen Elizabeth cùng biên đội tàu hộ tống dự kiến sẽ thực hiện chuyến hải trình đầu tiên vào ngày 24/5 tới. Tàu sẽ xuất phát từ cảng Portsmouth, di chuyển tới Gibraltar trước khi đi qua Địa Trung Hải đến Kênh đào Suez. Tại đây tàu sẽ có cuộc tập trận với cả các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đối tác không thuộc NATO. Sau đó, tàu HMS Queen Elizabeth sẽ đi đến Duqm, căn cứ của Anh ở Oman, trước khi di chuyển qua Ấn Độ Dương tới ghé cảng tại Singapore, qua Biển Đông và đến Nhật Bản để tập trận chung với Nhật Bản và Mỹ.