National Interest dẫn lời Trung tướng Vincent Stewart, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) tại Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ cho biết: “Các tàu sân bay Trung Quốc đang đóng mới không có khả năng hoạt động xa bờ như tàu sân bay Mỹ. Các tàu này cũng không thể tiến hành các hoạt động trên không như cách mà hải quân Mỹ sử dụng”.
Tàu sân bay Liêu Ninh duy nhất của Trung Quốc.
Các tàu sân bay Trung Quốc sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động ở vùng biển ven bờ, ông Steward phát biểu. Bên cạnh đó, tàu sân bay Liêu Ninh hiên tại của Bắc Kinh chỉ có kích thước bằng một nửa tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Tàu sân bay Trung Quốc hiện chi được trang bị hệ thống phóng máy bay lỗi thời, hạn chế khả năng cất cánh các máy bay nặng hơn.
Các tàu sân bay thế hệ mới mà Trung Quốc đang đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên cũng dựa trên thiết kế của Dự án 1143.5 Orel của Nga như tàu sân bay Liêu Ninh và Kuznetsov. Điều này có nghĩa là trước khi Bắc Kinh nghiên cứu chế tạo được hệ thống phóng máy bay bằng điện từ hoặc hơi nước, Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ không có một tàu sân bay nào có thể sánh bằng tàu sân bay lớp Nimitz hay lớp Ford của Mỹ.
Tuy vậy, ông Stewart cho rằng, một khi Bắc Kinh sở hữu công nghệ tiên tiến hơn và có chuỗi căn cứ hải quân ở nước ngoài, khả năng tiếp cận toàn cầu của PLAN sẽ được mở rộng. Nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ý định làm việc đó.
"Việc Trung Quốc tìm cách tiếp cận một số cảng ở Châu Phi và công nghệ tàu ngầm của nước này cho thấy PLAN đang tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn thế giới”, giám đốc DIA Vincent Stewart nhận định.
Chỉ có thời gian mới biết được Hải quân Trung Quốc liệu sẽ phát triển và mở rộng đến mức độ nào. Nhưng ngay cả khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng cường hiện đại hóa quân đội, cho dù tốc độ hơi chậm hơn đôi chút so với trước đây.
Đăng Nguyễn