Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã chạy đua với Nga để trở thành con tàu đầu tiên hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng, khu vực có các miệng hố đen bị che khuất được cho là chứa nước đóng băng có thể là điều kiện khả thi cho việc sinh tồn trên Mặt Trăng trong tương lai.
Ngày 20/8, trong khi những thông tin về hành trình thất bại của tàu vũ trụ Luna-25 của Nga được đưa ra, ISRO tuyên bố rằng tàu Chandrayaan-3 đang trên đường hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng vào ngày 23/8.
Kế hoạch phóng tàu Chandrayaan-3 là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ trong hành trình chinh phục Mặt Trăng, nhằm hạ cánh xuống cực nam của hành tinh này. Cái tên “Chandrayaan” ở đây mang ý nghĩa là "phương tiện mặt trăng" trong tiếng Hindi và tiếng Phạn. Vào năm 2019, trong nhiệm vụ trước đó, tàu Chandrayaan-2 của ISRO đã thành công tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng, nhưng sau đó nó đã bị rơi.
Địa hình gồ ghề khiến việc hạ cánh ở cực nam Mặt Trăng trở nên vô cùng khó khăn, nhưng nếu có thể việc giành được vị trí quốc gia đầu tiên có tàu vũ trụ làm được điều đó, đây sẽ là một dấu ấn mang tính lịch sử. Theo các nhà nghiên cứu vũ trụ, các cột nước đóng băng trong khu vực này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu, oxy và nước uống cho các nhiệm vụ trong tương lai.
Hình ảnh các miệng hố trên bề mặt Mặt Trăng công bố hôm 21/8 được chụp bởi hệ thống camera phát hiện và tránh nguy hiểm mà ISRO trang bị trên các tàu đổ bộ. Đây là thiết kế đặc biệt nhằm giúp con tàu tìm được vị trí hạ cánh an toàn.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ được phóng vào ngày 14/7, lên quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 5/8, sau đó tàu đổ bộ và xe tự hành đã tách khỏi tàu vũ trụ hồi tuần trước để đáp xuống bề mặt của hành tinh này.
Đối với Ấn Độ, thành công trong sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng sẽ đánh dấu sự nổi lên của nước này như một cường quốc không gian. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi hiện đang tìm cách thúc đẩy các chương trình đầu tư tư nhân nhằm thực hiện các vụ phóng thám hiểm không gian, và xúc tiến các hoạt động kinh doanh dựa trên hệ thống vệ tinh có liên quan. Số lượng các công ty khởi nghiệp trong ngành khoa học vũ trụ, không gian ở Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020.
"Nếu Chandrayaan-3 thành công, nó sẽ nâng cao vị thế của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian vũ trụ xét trên quy mô toàn thế giới. Đây sẽ là minh chứng cho thấy Ấn Độ đang dần trở thành một cường quốc về khoa học vũ trụ và có khả năng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc khám phá không gian của nhân loại", nhà khoa học Manish Purohit, cựu thành viên ISRO, nhấn mạnh.
Các chi phí kỹ thuật trong nhiệm vụ lần này của Ấn Độ cũng mang tính cạnh tranh rất cao. Theo thông tin được công bố, kinh phí cho vụ phóng tàu Chandrayaan-3 chỉ vào khoảng 6,15 tỷ rupee (tương đương 74 triệu USD), thấp hơn nhiều so với kinh phí sản xuất bộ phim không gian "Gravity" của Hollywood vào năm 2013.
Thực hiện thành công nhiệm vụ lần này, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh thành công trên Mặt Trăng, sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. “Ấn Độ sẽ thử nghiệm được một công nghệ mới với một cuộc hạ cánh thành công, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao”, ông K. Sivan, Cựu Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Vikram Sarabhai, nhấn mạnh.
Các nhà khoa học tại ISRO cho biết họ đã rút kinh nghiệm được rất nhiều điều từ sự thất bại trong các nhiệm vụ trước đó và thực hiện một thay đổi trong chương trình lần này để giúp con tàu Chandrayaan-3 có thể hạ cánh thành công, bao gồm cả việc hạ cánh an toàn ở bất kỳ khu vực nào trong điều kiện bất lợi. Con tàu cũng đã được trang bị nhiều nhiên liệu hơn, nhiều tấm năng lượng mặt trời hơn và chân trụ vững chắc hơn.
"Những gì sẽ diễn ra trong 3 ngày tới sẽ vô cùng thú vị! Háo hức mong chờ cuộc hạ cánh thành công!", Pawan Chandana, đồng sáng lập Skyroot, công ty Ấn Độ phóng thành công tên lửa đầu tiên do tư nhân chế tạo vào năm ngoái, bình luận.