Robot tự hành của Trung Quốc sẽ tìm cách hạ cánh ở một khu vực phía đông bắc hành tinh đỏ, theo nghiên cứu công bố hôm 13/7 trên tạp chí Nature Astronomy của các nhà nghiên cứu trong nhiệm vụ khám phá sao Hỏa Thiên vấn 1. Mục đích của nhiệm vụ là đưa tàu quay quanh quỹ đạo và tàu đổ bộ cùng robot tự hành tới sao Hỏa.
Nghiên cứu hé lộ những chi tiết mới về Thiên Vấn 1 như khu vực hạ cánh dự kiến, mục tiêu khoa học và tên gọi của các thiết bị trên tàu vũ trụ. Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của nhiệm vụ. Thiên Vấn 1 không chỉ là tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên do Trung Quốc chế tạo hoàn toàn mà còn mang theo cả tàu quay quanh quỹ đạo và robot tự hành. Trước đó, tàu thăm dò mang tên Huỳnh Hỏa 1 của Trung Quốc phóng trên lưng tên lửa của Nga cùng với tàu lấy mẫu Phobos-Grunt vào tháng 11/2011. Vụ phóng thất bại và tất cả tàu vũ trụ đều rơi trở lại Trái Đất.
Tên gọi Thiên Vấn của nhiệm vụ bắt nguồn từ tựa đề một bài thơ của Khuất Nguyên (năm 340 - 278 trước Công nguyên). Tàu Thiên Vấn 1 sẽ phóng cùng tên lửa Trường Chinh 5 vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 từ thành phố Văn Xương trên đảo Hải Nam. Một số nguồn tin tàu có thể phóng vào ngày 23/7.
Theo dự kiến, Thiên Vấn 1 sẽ tới sao Hỏa vào tháng 2 năm 2021, cùng thời điểm với tàu Hope của UAE và Perseverance của NASA. Tuy nhiên, robot tự hành vẫn gắn liền với tàu bay quanh quỹ đạo trong 2 - 3 tháng đầu trước khi tiếp đất.
Khu vực hạ cánh được lựa chọn là Utopia Planitia, một bồn địa khổng lồ hình thành do va chạm mạnh trong lịch sử sao Hỏa, nơi tàu đổ bộ Viking 2 của NASA từng hạ cánh vào năm 1976. Độ cao thấp của khu vực có nghĩa tàu đổ bộ sẽ có nhiều thời gian để giảm tốc độ và tiếp đất an toàn. Vị trí nằm ở khoảng 20 - 30 độ vĩ bắc của Utopia Planitia cũng thích hợp để nhận đủ ánh sáng Mặt Trời nhằm cung cấp năng lượng cho robot tự hành nặng 240 kg. Bề mặt tương đối bằng phẳng cũng có lợi cho robot.
Theo dự kiến, robot tự hành sẽ vận hành trong khoảng 90 ngày sao Hỏa hay còn gọi là sol, gần gấp đôi thời gian hoạt động của robot thăm dò Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc ở vùng tối của Mặt Trăng. Tàu quay quanh quỹ đạo Thiên Vấn 1 sẽ kết nối liên lạc với robot tự hành đồng thời thực hiện những quan sát khoa học riêng trong một năm sao Hỏa. (Một sol dài hơn 40 phút so với một ngày Trái Đất. Một năm trên sao Hỏa bằng 687 ngày Trái Đất).
Tàu quay quanh quỹ đạo sẽ vận hành ở phía trên vùng cực để lập bản đồ hình dáng và cấu trúc địa chất của sao Hỏa và hình sáng sao Hỏa, kết hợp sử dụng thiết bị Mars-Orbiting Subsurface Exploration Radar để nghiên cứu đặc điểm đất và sự phân bố nước - băng. Tàu cũng sẽ đo tầng điện ly, điện từ trường và trường hấp dẫn. Robot tự hành sẽ phân tích thành phần đất ở bề mặt cũng như tìm hiểu đặc điểm khí hậu và môi trường trên sao Hỏa.