Văn bản nêu rõ: TechcomBank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.
Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu nêu trên, TechcomBank có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động cho NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép, nếu Đại hội đồng cổ đông TechcomBank thông qua việc thay đổi Phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.
Trước đó, HĐQT ngân hàng TechcomBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn 30 triệu trái phiếu chuyển đổi phát hành hồi năm 2010.
Được biết, 30 triệu trái phiếu này là loại trái phiếu có thể chuyển đồi thành cổ phần phổ thông, được Techcombank phát hành ngày 28/12/2010 với mệnh giá 100.000 đồng/ trái phiếu, thời hạn 10 năm.
Đại diện Techcombank cho biết, nguồn vốn 3.000 tỷ đồng này đã đưa vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng từ cuối năm 2010 nên mức độ ảnh hưởng không đáng kể với kết quả hoạt động kinh doanh 2017 của ngân hàng (chuyển sang tăng vốn cấp 1).
Giá chuyển đổi ban đầu là 17.188,38 đồng/ cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, sau khi Techcombank phát hành cổ phiếu thưởng năm 2011, giá chuyển đổi giảm xuống còn 13.683,04 đồng/ cổ phần do các điều khoản chống pha loãng của trái phiếu. Tỷ lệ chuyển đổi là 7,3083.
Theo kết quả đăng ký chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đăng ký chuyển đổi là hơn 2.842 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu chuyển đối tối đa là hơn 207,7 triệu cổ phiếu với tổng giá trị mệnh giá là 2.077 tỷ đồng.
Theo đó, sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ hơn 9.578 tỷ đồng lên hơn 11.655 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21,68%.