Làng nghề 600 năm
Làng nghề mây tre đan Bao La là một làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển trên 600 năm tại Thừa Thiên - Huế, đã và đang tạo ra nhiều việc làm thường xuyên cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương.
Làng nghề mây tre đan Bao La là một làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển trên 600 năm tại Thừa Thiên - Huế, đã và đang tạo ra nhiều việc làm thường xuyên cho các hộ sản xuất mây tre tại địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Bao La cho hay, trước đây người dân trong thôn chỉ làm những vật dụng để phục vụ cuộc sống và sản xuất hàng ngày như rổ, rá, thúng, mủng... Cuộc sống hiện đại, các vật dụng này từ chất liệu mây, tre đã dần bị thay thế bằng chất liệu nhựa. “Vì thế, người dân trong thôn chẳng mấy ai còn mặn mà với việc đan lát, với nghề truyền thống này nữa. Nguy cơ mai một ngày càng cao và việc sản xuất chỉ mang tính cầm chứng, qua ngày mà thôi…”, ông Dinh nói.
Đến năm 2007, cùng với kế hoạch khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cộng với niềm đam mê và tâm huyết muốn vực dậy làng nghề truyền thống “cha truyền con nối” của những người con làng Bao La; Hợp tác xã mây tre đan Bao La chính thức thành lập.
Những sản phẩm mây tre đan tại làng Bao La tuyệt đẹp, chất lượng. |
Thời điểm ban đầu, Hợp tác xã gặp muôn vàn khó khăn. Vốn liếng hạn hẹp, nhân công rải rác, đầu ra cho sản phẩm rất bấp bênh. Hợp tác xã chỉ sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp; dù tinh xảo, mẫu mã đẹp đến đâu cũng chỉ loanh quanh bên gánh hàng rong và các chợ làng…
Đối với ông Dinh, gần 2 năm ròng rã ông cố gắng làm mà không thu về được một đồng lương riêng cho bản thân. “Giai đoạn ấy, thu nhập từ việc bán các mặt hàng thu về không nhiều, lương trả cho công nhân ít nên nhiều người nghỉ việc. Cộng thêm áp lực về kinh tế của gia đình nên có những lúc, tôi chỉ muốn bỏ cuộc”, ông Dinh nhớ lại. Thế nhưng bằng sự quyết tâm và lòng yêu nghề, ông cùng những người phụ trách của Hợp tác xã đã mày mò, tìm hiểu mở rộng, phát triển thêm nhiều mặt hàng đa dạng từ mây, tre. Đến năm 2009, làng nghề chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
“Lột xác” và vươn tầm thế giới
Ngoài việc đa dạng hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ông Dinh cùng nhân công cũng mày mò tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Được chính quyền tỉnh tạo điều kiện nên những lần có Hội chợ thương mại hoặc các buổi triển lãm thì hàng hóa từ cơ sở đều có mặt để trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng ở khắp gần xa, và những mối đặt hàng bắt đầu từ đó. Dần dần, sản phẩm của của làng nghề được nhiều người biết đến.
Những năm qua, hợp tác xã Bao La đã đẩy mạnh công nghệ mới vào sản xuất, nhằm tạo ra những sản phẩm vừa đẹp, vừa bền, vừa đảm bảo an toàn. Đơn cử, hợp tác xã không dùng hóa chất độc hại để tẩy trắng nguyên liệu, mà dùng công nghệ mới, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La thiết kế và sản xuất hàng nghìn mẫu mã tinh xảo, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trung bình, mỗi năm Hợp tác xã thiết kế và cho ra lò từ 7-10 mẫu mới. Ngoài những sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân, Hợp tác xã đã sản xuất các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sofa và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng. Nhiều làng nghề về mây tre đan trong nước cũng đã đến Hợp tác xã để học hỏi kinh nghiệm, “mục sở thị” các sản phẩm độc đáo, tinh xảo.
“Có những người ở Đà Nẵng, Hà Nội hay Sài Gòn… thấy sản phẩm của chúng tôi qua website nên đã tìm hiểu, đặt mua về trang trí nội thất nhà hoặc trang trí quán cà phê”, ông Dinh vui vẻ nói.
Làng nghề đã tạo thu nhập cho nhiều người và mang danh tiếng đi khắp nơi. |
Những ngày cận Tết, không khí tại làng tre Bao La luôn sôi động. Khi được hỏi về tần suất công việc trong những ngày giáp Tết, một người làm nghề cho hay Tết đến cũng giống như ngày bình thường bởi lẽ đây là những công việc thường nhật, duy trì quanh năm khi mọi người khi tham gia vào hợp tác xã. Khác chăng, vào những ngày cận Tết các mặt hàng sản xuất thường tập trung phục vụ nhu cầu tết như vật dụng trang trí, khay bánh mứt. Bên cạnh đó, các thành viên của hợp tác xã cố gắng về mặt tốc độ và thời gian để hoàn thành các đơn hàng cho các vị khách phục vụ cho nhu cầu trang trí trong Tết.
Đến nay, cơ sở trung bình mỗi tháng 2 lần xuất hàng đi, giá trị đơn hàng từ 80 - 100 triệu đồng. Ngoài ra còn có hai đầu mối ở Hà Nội tháng nào cũng thu gom hàng để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Thái Lan, Mỹ, các nước châu Âu. Công nhân thường trực ở hợp tác xã dao động từ 110 đến 120 người. Bình quân thu nhập 110 - 150 ngàn đồng một người/ ngày và được đóng đầy đủ các loại BHXH, BHYT cũng như thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.
Đáng nói hơn, hợp tác xã không “kén” nhân công. Những ai có nhu cầu làm việc, học nghề đều được nhận vào. Vì đặc thù công việc ở đây nhẹ nhàng, cần sự cần mẫn, thời gian làm 8 tiếng nên phụ nữ, thanh thiếu niên thậm chí những người cao tuổi cũng có thể làm việc. “Tôi chuyên vót mây, tre để đan lồng đèn. Từ ngày tham gia hợp tác xã, thu nhập của gia đình tôi ngày càng được cải thiện và ổn định. Ngày làm 8 tiếng, nếu muốn kiếm thêm thu nhập thì nhận hàng về ban đêm tranh thủ vừa xem tivi vừa đan, một công đôi việc. Dịp cận Tết thì chúng tôi là nhiều hơn…”, chị Nguyễn Thị Hường (44 tuổi, thôn Bao La) bộc bạch.
Hiện tại làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp vốn để đầu tư, xây dựng một nhà truyền thống phục vụ việc trưng bày, triển lãm các mặt hàng của cơ sở trong khuôn viên rộng gần 1 hecta trong địa bàn của thôn. Tại phòng truyền thống, ngoài cả trăm giấy chứng nhận, bằng khen từ cấp địa phương đến trung ương, mới đây nhất làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La vinh dự được Sở Công Thương tổ chức trao giấy chứng nhận quyền sử dụng “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” vào cuối năm 2018.
“Ngoài việc giữ vững hoạt động của hợp tác xã, tôi có dự định tận dụng khuôn viên của nhà truyền thống để làm nơi sản xuất, đào ao cá, trồng thêm cây xanh. Liên kết với các Công ty lữ hành để phát triển mô hình du lịch cộng đồng cho du khách trong và ngoài nước. Không chỉ duy trì, quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống của tỉnh nhà, tôi hi vọng đây là hướng đi mới có hiệu quả, có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm cũng như tăng mức thu nhập cho nhiều người”, ông Dinh chia sẻ thêm.
Cũng theo vị Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Bao La, để chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế sắp diễn ra vào cuối tháng 4/2019, Hợp tác xã sẽ sản xuất hàng ngàn mẫu mã mới, tinh xảo để phục vụ du khách tham quan và tham gia hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu đến với du khách trong và ngoài nước. Không chỉ giới thiệu trực tiếp đến công chúng qua các kỳ Festival, mây tre đan Bao La còn tiếp cận người dùng qua website và mạng xã hội…