Buổi sáng, bếp nhà tôi ngổn ngang đồ ăn thức đựng. Thực phẩm là thứ phải đóng gói sau cùng. Chị tôi qua giúp một tay, xếp lèn vào thùng các-tông nào giò, nem chua, măng, miến, mục nhĩ, nấm hương, củ kiệu, dưa hành, nước mắm ngon sáu mươi độ đạm, một quả gấc chín, gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh mới, cốm khô, rau thơm tươi các loại... Bánh chưng đã có cô bạn mau mắn nhận đặt cho đôi cặp ở một hàng ngon nức tiếng. Nếu còn thời gian, lẽ ra chị em tôi gói bánh để tôi mang đi, nhưng không kịp. Dẫu Tang Frères, chợ Tầu quận Mười Ba Paris không thiếu thứ gì, tôi vẫn muốn mang theo nguyên liệu Tết Hà Nội. Mùi vị ký ức là thứ không dễ mua được.
Tôi co ro trong chiếc măng-tô dạ và đôi bốt cao cổ, ngồi trên băng ghế sắt lạnh ngắt ở phòng chờ. Hai mươi hai giờ, có thông báo chuyến bay của tôi sẽ chậm vì lý do kỹ thuật, giờ bay chưa xác định. Tôi nhắn tin vào iMessage: “Giờ bay hoãn, không biết tận lúc nào. Có lẽ em phải chờ suốt đêm nay”. - “Cố chợp mắt cho đỡ mệt. Trước lúc bay em nhắn nhé!”. Tôi kê ba-lô làm gối, quấn khăn trùm kín đầu, che cả mặt, nằm thu lu trên ghế, nhắm mắt lại. Nằm mãi cái ghế không ấm. Đây là Tết đầu tiên tôi đi xa. Vừa hồi hộp, nao nức, vừa bối rối, âu lo vô cớ. Nhưng tôi tin mùa Xuân sẽ mang đến nhiều điều mới mẻ. Niềm tin là thứ dễ có, mà cũng dễ mất. Rồi tôi thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy tiếng pháo nổ đì đùng; mùi pháo say nồng; xác pháo đỏ tung tỏa một góc trời, rồi phủ đầy những bậc thềm trên con phố vắng, sớm mồng Một Tết năm xưa...
Sau bát mì ăn liền lào phào lót dạ do hãng hàng không cung cấp, bốn giờ sáng, hành khách lên máy bay, chuẩn bị cất cánh. iMessage: “Em bay đây”. - “Em bay an toàn nhé! Mai Paris ấm rồi!”. Hà Nội lùi dần, lùi dần ngoài cửa sổ. Paris còn cách hơn chín ngàn cây số nữa. Tôi thấy mưa xuân lất phất chạm ô kính nhỏ. Bụi mưa đọng dần thành những giọt nước, chảy lơ đãng. Áp má vào, ô cửa bỗng âm ấm. Má tôi ấm hay mưa ấm. Cảm giác châng vâng, nhẹ bẫng thoắt nhấc bổng tôi lên, xuyên qua những tầng mây dằng dặc. Và bình minh hé rạng phía chân trời...
Paris không phải dịp lễ, cũng chẳng cuối tuần, các chuyến tàu điện ngầm buổi sáng đông nghẹt. Sớm ngày Hai Mươi Chín, tôi tay xách nách mang, tha lôi một phần “hàng Tết”, đi metro ra ga Austerlitz về Amboise, cách Paris hơn hai trăm cây số, nơi gia đình bạn V tôi ở. V là một trong những bạn gái tôi yêu. Cô ấy vừa giống tôi, vừa rất khác tôi. Những điểm giống khiến chúng tôi tâm đầu ý hợp; những điểm khác thì chúng tôi bù cho nhau, nên ở bên nhau bao giờ cũng vừa vặn, bình yên. Cô ấy xinh đẹp, tài năng, từng có một sự nghiệp nổi bật, nhưng vẫn chọn lối theo chồng về quê anh sinh sống. Họ có ba đứa con, mỗi đứa cách nhau kha khá tuổi. Thằng anh lớn đẻ ở Hà Nội; thằng giữa và con bé út sinh ra ở Amboise; cả ba đứa đều nói tiếng Việt giỏi. Tôi vẫn thầm cảm phục bạn tôi vì cách dạy con của cô ấy. Lúc nào cũng dịu nhẹ như không, nhưng quy củ, đâu ra đấy. Bọn trẻ ăn được đồ Việt Nam, thích món cô Chân nấu. Tôi về Amboise đón giao thừa cùng gia đình V. Mồng Một là chủ nhật, sẽ có thêm một khách từ Paris.
(Ảnh minh hoạ: Nhân Dân) |
Tàu TGV chạy hơn một tiếng là tới Amboise, dừng vài phút cho hành khách xuống, rồi đi tiếp đến Tours. Thành phố Amboise nhỏ xinh, nằm bên sông Loire, thuộc vùng Thung lũng Loire (Vallée de la Loire). Từ ga về chỗ V rất gần, chỉ qua một cây cầu ngắn, nhưng lần nào V cũng lái xe ra đón tôi. Tôi một tay va-li, một tay túi đồ ăn, bước ào từ toa tàu xuống. Bạn tôi đứng đó, trên sân ga, mái tóc dài rối rít gió, nắng lấp lánh mắt cười. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vui cuống cả lên. Thời nay, những người thân xa nhau đến mấy, hằng ngày vẫn có thể nói chuyện, nhìn thấy nhau qua cuộc gọi video. Nhưng cảm giác ảo sao có thể sánh được với một vòng ôm thật ấm, bện xiết, thân gần. Xe rẽ lên cầu, nhìn thấy lâu đài Amboise cổ kính bên kia, sắp về đến nhà rồi! Trời nắng hanh, phủ lên Amboise ánh vàng tươi tắn tinh khôi. Hàng cây bên sông vươn cành ngóng lá. Nhà V hồi ấy ở phố trung tâm, ngay phía sau lâu đài. Mùa hè, nơi đây tấp nập khách du lịch. Từ đầu mùa đông đến hết mùa xuân, Amboise trở nên vắng vẻ, yên tĩnh. Bọn trẻ nhà V ùa ra cửa đón cô Chân, ríu ra ríu rít. Chồng V đang pha cà-phê trong bếp, mùi thơm vương vất. Tôi như được về nhà, ấm áp, thảnh thơi. Chúng tôi cùng uống cà-phê bằng bát gốm tráng men, họa tiết trang trí vẽ tay, bên cạnh bát đề tên mỗi người trong gia đình. Chiếc bát của chồng V là chiếc “cổ” nhất, anh dùng từ khi còn nhỏ. Bà nội bọn trẻ giữ nó cẩn thận rồi trao lại cho V khi vợ chồng V về Amboise. Cả nhà ăn sáng muộn với bánh mì baguette, bơ và mật ong, bên chiếc bàn ngay cạnh bếp. Nhìn ra cửa sổ, khu vườn nhỏ của V đi qua mùa đông, còn đang ngái ngủ, nhưng một số cành cây như bắt đầu mở mắt, cựa mình. Câu chuyện của chúng tôi hướng về Hà Nội, về những người thân, và về bữa cơm cúng giao thừa phải chuẩn bị ngày mai. “Cô Chân nấu xôi gấc, thịt đông và canh măng nhé! Mẹ V phụ trách luộc gà và món xào. Món nào mất thời gian, phần cô đấy!”. V vừa cười, vừa dõng dạc phân công.
Chúng tôi sẽ đón giao thừa theo giờ Hà Nội, nên phải chuẩn bị sớm, vì sáu giờ chiều ở Amboise là mười hai giờ đêm ở nhà. Thịt đông đơn giản, tôi nấu luôn từ chiều hôm ấy; vài ba bông hoa cà rốt tỉa nhẹ nhàng đặt dưới đáy bát, múc thịt vào. Khi bát thịt đã đông, úp ra đĩa, hoa sẽ như nụ cười duyên trên nền vàng hổ phách điểm những vệt nâu, mầu đặc trưng của món ăn này. Đến đêm, tôi mới ngâm gạo nếp; bổ gấc nạo lấy ruột, ướp với chút muối và rượu trắng, để sớm mai đồ xôi. Măng khô tôi làm sẵn trên Paris từ mấy hôm trước, sáng ra chỉ việc nấu. Canh măng là một trong những món mất thời gian nhất. Nhiều người thích măng lưỡi lợn, tức là măng củ; nhưng chúng tôi đều ưng măng áo tơi, tức là măng nứa. Tôi thường mua những đầu măng nõn phơi khô, ngâm đến đâu nấu đến đấy, không bỏ đi mẩu nào. Loại măng này ninh nhanh mềm, dễ quấn gia vị, lúc ăn rất đậm đà, có khi còn thơm ngon hơn thịt. Công thức nấu măng hầu như bà nội trợ nào cũng biết: ngâm măng với nước gạo hoặc nước ấm đôi ba hôm; luộc kỹ; xào với gia vị rồi ninh với sườn hoặc móng giò là xong. Bà ngoại tôi xưa nấu măng rất ngon, mềm, quấn bện đậm đà thơm ngậy; sườn hay móng giò vừa chín tới, không nhừ rã, nên nước rất trong. Thời gian ninh măng lâu hơn sườn, bởi vậy bà tôi không bao giờ nấu hai thứ cùng một lúc. Nêm nếm đủ gia vị, xào măng thật kỹ; đổ nước dùng gà hoặc nước xương lợn vào sâm sấp, rim nhỏ lửa riu riu, gần cạn mới cho sườn và móng giò đã chần sơ, thêm nước, ninh tiếp. Khi sườn chín tới, móng giò mềm mà bì vẫn dẻo, ăn không ngấy, măng cũng nhừ, ngấm trọn vẹn vị ngọt béo. Múc măng ra bát, đừng quên bày lên mấy cọng hành củ chần tái, thoáng mầu xanh của lá, mầu trắng của hành, nổi bật trên những miếng măng đã ngấu, vàng óng ả.
Sáu giờ tối Amboise, mười hai giờ đêm Hà Nội, trời lạnh buốt, bọn trẻ nhà V cũng ra sân, cùng bố mẹ thắp nén nhang thơm, chắp tay xin trời đất, khấn ông bà tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành. Trưa mồng Một Tết, khách từ Paris xuống như đã hẹn. Bọn trẻ được mừng tuổi mấy đồng euro xanh be bé, mới kính coong, để trong phong bao đỏ. Sau bữa trưa kiểu Tết cổ truyền Việt Nam, chúng tôi cùng nhau đi chơi xuân. Ngay bên sông Loire đang chợ phiên chủ nhật nhộn nhịp. Ở đó bán đủ thứ, từ quần áo, giày dép đến sản vật địa phương. Tôi được “mừng tuổi” một chiếc áo da mầu đỏ rượu, rất đẹp.
Bọn trẻ giờ lớn phổng thành những thanh, thiếu niên sáng láng, cao mét bảy mét tám mét chín cả lượt. Gia đình V đã chuyển sang nhà khác, trên một quả đồi, xa trung tâm. Lần gần đây nhất tôi về Amboise chỉ một cuối tuần, hè năm 2019, chúng tôi chẳng kịp vào phố để ra sông đi chợ phiên như xưa. V giờ bận hơn với công việc và những mối quan tâm mới. Bạn tôi làm gì cũng say mê, tận tụy, trọn nghĩa, vẹn tình. Chiếc áo đỏ của tôi đã sờn. Mỗi lần mở tủ nhìn thấy nó, tôi lại nhớ cái Tết đặc biệt ở Amboise. Nhớ V và bọn trẻ. Nhớ chính tôi, người đàn bà say đắm tươi vui của mùa xuân hồi hộp ấy.