Trong một văn bản dài 11 trang được UBND TP HCM ban hành hồi tháng 8 quyết định về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo giai đoạn đến 2020, có hẳn 5 dự án được thành phố vạch ra để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây được xem là một trong những bước đi cụ thể đầu tiên về mặt chính sách để hiện thực hóa tham vọng biến thành phố thành một Silicon Valley (Mỹ) của Việt Nam.
Theo đó, TP HCM đặt mục tiêu hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho 2.000 dự án khởi nghiệp đến 2020 thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo... Để làm được việc này, 40.000m2 sàn sẽ được quy hoạch và thu hút đầu tư nhằm tạo không gian cho cộng đồng khởi nghiệp, 2 cơ sở ươm tạo theo chuẩn quốc tế sẽ được xây mới. Trong 4 năm tới, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu 50% các trường phổ thông trên địa bàn có câu lạc bộ về đổi mới sáng tạo; 20 trường đại học, cao đẳng có giảng viên, giáo trình giảng dạy về khởi nghiệp...
TP HCM đang thực hiện quyết sách biến nơi đây thành một trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông |
Ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) cho hay, hiện giờ, hoạt động ươm tạo của đơn vị này đã thuận lợi hơn. “Với quyết định của thành phố, bây giờ mỗi doanh nghiệp chúng tôi có thể hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng một năm. Tất nhiên, nó không phải là tiền mặt mà thông qua các gói hỗ trợ về tư vấn, hoàn thiện sản phẩm, đưa ra thị trường... Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã thông qua dự án xây dựng trụ sở vườn ươm. Tôi hy vọng, hơn một năm nữa, tòa nhà của vườn ươm có thể đưa vào hoạt động”, ông Nguyên nói.
Không đứng ngoài xu hướng mở các không gian khởi nghiệp (co-working space), một số đơn vị hành chính của TP HCM cũng đã nhanh chóng tham gia. Các không gian có vốn nhà nước này đi theo hướng khác hơn, không cạnh tranh mà bổ sung vào hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ đang hình thành. Phía SHTP-IC, sau 10 năm hoạt động theo mô hình truyền thống của mình thì nay cũng đổi mới và mở thêm một không gian gọi là SHTP iHub, viết tắt của SHTP Innnovation Hub. Ông Nguyên cho hay, khác với các co-workingspace tư nhân thì iHub hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Người có nhu cầu đến làm việc chỉ đóng một khoản phí cơ bản để duy trì các dịch vụ điện nước, bảo vệ và giữ xe.
“Hiện nay trên thành phố có rất nhiều co-working space đang hoạt động. Tên của không gian này chúng tôi cũng không đặt là co-workingspace mà gọi là iHub. Chúng tôi muốn biến nó thành trung tâm hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp. Các bạn muốn khởi nghiệp nhưng không biết làm thế nào thì đến đây, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn bước đầu mà không chi phí gì cả. Thứ hai, chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình đào tạo bài bản về khởi nghiệp. Hiện nay có rất nhiều nơi cung cấp các chương trình đào tạo về khởi nghiệp nhưng theo chúng tôi đánh giá thì lĩnh vực công nghệ cao cần đào tạo chuyên sâu hơn, khác biệt so với những lĩnh vực khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn biến nơi đây thành nơi gặp gỡ của các bạn với các quỹ đầu tư”, vị này cho biết thêm.
SHTP iHub chỉ mới hoạt động từ đầu tháng 9/2016. Hiện nay, không gian khởi nghiệp này đã ký hợp tác với Vietnam Silicon Valley (VSV) để triển khai chương trình "Thúc đẩy khởi nghiệp VSV- SHTP Acceleration". Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Dragon Capital cũng đồng ý hàng tháng sẽ đến đây để gặp mặt và tư vấn các bạn trẻ khởi nghiệp.
Một trung tâm khác là Saigon Innovation Hub (SIHUB). Không gian khởi nghiệp này do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM thành lập theo chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố.
“SIHUB được hình thành nhằm kết nối, tập hợp và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp phát triển theo định hướng chung của TP HCM. Nguyên tắc chung là SIHUB sẽ không thực hiện những việc mà cộng đồng khởi nghiệp và các vườn ươm khác đã làm, mà sẽ thực hiện các công việc cần đến nguồn lực công”, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM cho biết về sự tham gia của các cơ quan hành chính vào trào lưu mở không gian khởi nghiệp.
Ông Tước cho biết thêm, SIHUB cũng không đơn thuần là một mặt bằng cho thuê để các bạn trẻ khởi nghiệp hay đang làm công việc tự do đến làm mà tập trung vào hỗ trợ cụ thể cho các dự án tiềm năng, thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố. Theo đó, các dự án nào muốn được hỗ trợ thì sẽ nộp hồ sơ. Nếu được xét duyệt và đồng ý thì các nhóm khởi nghiệp sẽ được tài trợ miễn phí về cơ sở vật chất, điện nước, đào tạo, tư vấn và kết nối với nhà đầu tư... tại không gian này.
Theo tính toán của Cục Thống kê TP HCM, giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân của thành phố là 5,6% (174,7 triệu đồng một lao động). Với mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo khởi nghiệp của Việt Nam, giới lãnh đạo thành phố đang muốn tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2016 – 2020 phải từ 6,5% trở lên.