Số lượng TBDH tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng 56,5%
Hội thảo do Cục Cơ sở Vật chất (Bộ GD&ĐT) chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo Vụ GD Tiểu học, Vụ GD Trung học, các đơn vị chức năng liên quan. Lãnh đạo và đại diện ngành GD nhiều địa phương đã tham dự và góp ý cho các dự thảo thông tư.
Tại Hội nghị, để có cái nhìn tổng thể về TBDH lớp 2, lớp 6, Cục trưởng Cục CSVC đã khái quát tình hình CSVC, TBDH ở các địa phương hiện nay.
“Về quan điểm, thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, các nhà trường không phải bỏ hết CSVC, TBDH cũ, hiện có. Chương trình mới thực chất là kế thừa và sử dụng các TBDH, CSVC có sẵn, bổ sung thêm những TBDH, CSVC mới đáp ứng đổi mới”- Cục trưởng Cục CSVC nêu.
Phòng Tin học Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. |
Cả nước hiện có khoảng 440.118 phòng học các cấp tiểu học, trung học, tỷ lệ kiên cố là 79,5%. Tỷ lệ phòng học/lớp là 0,96. Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,72. Nhận định về những con số này, ông Phạm Hùng Anh cho rằng: “Phòng học bộ môn hiện đang đạt tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là phòng học bộ môn ở bậc tiểu học thiếu nhiều.
Trong khi TBDH mới được thiết kế rất cần đến phòng học bộ môn, nhất là khi triển khai Chương trình GD phổ thông mới ở lớp 3. Tiểu học là bậc học sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới trong vấn đề phòng học bộ môn”.
Trong khi đó, cấp THCS có 47.383 phòng, đạt tỷ lệ 4,33 phòng/trường (quy định là tối thiểu 8 phòng). Cấp THPT có 13.019 phòng, đạt tỷ lệ 5,56 phòng/trường (quy định là tối thiểu 9 phòng).
Hiện nay, số lượng thiết bị dạy học tối thiểu mới chỉ đáp ứng được khoảng 56,5%.
“Bài toán cần phải tính toán chính là vấn đề xây dựng phòng học bộ môn phục vụ cho đổi mới Chương trình GD phổ thông mới”- Cục trưởng Cục CSVC nhận định- “Thực tế khảo sát ở các địa phương cho thấy có tình trạng sửa phòng học để thành phòng bộ môn, thiếu các điều kiện điện, ánh sáng và các điều kiện khác để trở thành một phòng học bộ môn đúng tiêu chuẩn. Thậm chí, có nơi, có địa phương, có hiện tượng gắn tên phòng học bộ môn vào phòng học bình thường để “đủ” phòng học bộ môn theo yêu cầu”.
Trên cơ sở thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TBDH.
Đại biểu xem TBDH của các công ty TBDH trưng bày tại Hội thảo. |
Đánh giá quá trình thực hiện Thông tư 05/2019/TT-BGD-ĐT ngày 5/4/2020, Cục trưởng Cục CSVC cho biết: Tính đến 15/9/2020, đã có 30/63 tỉnh/TP gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT.
“Do ảnh hưởng của dịch covid-19, nguồn thu ngân sách các tỉnh gặp nhiều khó khăn, vừa tập trung các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và thực hiện chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Vì vậy, chưa có điều kiện cân đối, bố trí đủ nguồn kinh phí mua thiết bị dạy học tối thiểu cho học sinh lớp 1 thực hiện Chương trình SGK mới từ năm học 2020-2021 theo như cầu”- Ông Phạm Hùng Anh phân tích.
Cục trưởng Cục CSVC cũng cho biết thực tế: “Các tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách, đặc biệt là vùng khó khăn, miền núi để đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Một khó khăn, vướng mắc trong đầu tư TBDH đáng chú ý là về tính chủ động của các địa phương trong việc lập kế hoạch mua sắp thiết bị dạy học”.
Đánh giá của Cục CSVC cho thấy, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời cũng là năm cuối của Kế hoạch 2016 - 2020, do đó, các địa phương chưa chủ động trong việc lập kế hoạch kinh phí để mua sắm thiết bị dạy học lớp 1. Bên cạnh đó, danh mục thiết bị dạy học lớp 1 theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/04/2019 của Bộ GD&ĐT không có thiết bị mẫu nên gặp khó khăn trong quá trình lựa chọn thiết bị để mua sắm.
TBDH lớp 2, lớp 6: Đảm bảo tính kế thừa, tránh lãng phí
Quá trình xây dựng danh mục TBDH, Bộ GD&ĐT định hướng: Đáp ứng yêu cầu của Chương trình môn học; Đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, lớp trong cùng cấp học và giữa các cấp học với nhau; Đảm bảo tính khả thi (Phù hợp điều kiện kinh phí đầu tư, khả năng sản xuất, cung ứng và việc khai thác, bảo quản và sử dụng thiết bị dạy học); Đảm bảo tính kế thừa danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đã ban hành, tránh lãng phí; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Xây dựng theo hướng mở, không quy định cứng nhắc, không áp đặt theo mẫu TBDH cụ thể, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất, cung cấp TBDH và mở rộng phạm vi mua sắm dựa trên điều kiện KTXH của từng địa phương; Tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn; Tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới (STEM, định hướng nghề nghiệp).
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo. |
Theo Bộ GD&ĐT, việc ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 nhằm chỉnh sửa, bổ sung, thay thế những quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời phù hợp với lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông; Làm căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Giúp các địa phương, các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục có căn cứ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát thực trạng thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm, quản lý và khai thác sử dụng thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.
Dự thảo TBDH lớp 2, lớp 6 được xây dựng đảm bảo tính tối thiểu theo yêu cầu của chương trình môn học và trong từng môn học được thiết kế theo chủ đề dạy học; Một số danh mục được kế thừa từ lớp 1 (Tại Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05/4/2020); Bổ sung yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2, lớp 6; Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu được xây dựng theo hướng tập trung cho học sinh, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm, video …); Có định hướng cho danh mục thiết bị của các lớp tiếp theo (lớp 3, lớp 7 …); Thiết bị dùng chung được kế thừa từ những lớp trước (Ví dụ: lớp 2 kế thừa danh mục dùng chung của lớp 1, do đó khi đã trang bị cho lớp 1 thì không cần trang bị cho lớp 2); Số lượng thiết bị được đưa ra định hướng phương pháp giảng dạy với các đối tượng như : Dành cho học sinh, dành cho giáo viên, trang bị theo PHBM; Thiết bị theo phòng học bộ môn được tính toán dựa trên số phòng học bộ môn của các CSGD (đã được quy định số lượng tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT).
Các địa phương đề xuất Bộ GD&ĐT tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hỗ trợ các nguồn lực để mua sắm trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Các địa phương cũng đề xuất Bộ GD&ĐT có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện mua sắm thiết bị dạy học; đảm bảo việc mua sắm trang thiết bị dạy học phải do các cơ quan có chuyên môn chủ trì thực hiện, nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với yêu cầu dạy học, kịp thời phục vụ cho năm học 2020- 2021.
Theo ý kiến từ các địa phương, Bộ cần sớm ban hành Thông tư về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các khối lớp và bậc học khác để có căn cứ xây dựng dự toán cho giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục CSVC, Bộ GD&ĐT), dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục TBDH lớp 2, lớp 6 vào tuần thứ 2 tháng 10.