“Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.
Cái “khó” của ca ghép phổi từ người cho chết não
GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - tổng chỉ huy điều hành tổ chức thực hiện ca ghép đa tạng này cho biết: Từ người hiến đa tạng là một người cho chết não, Trung Tâm Điều phối tạng Quốc gia và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện điều phối ghép tạng xuyên quốc gia.
Người hiến tạng là bệnh nhân nam 45 tuổi, chết não do tai nạn lao động. Ngày 26/2/2018, ca lấy và ghép đa tạng được tiến hành tại BV Quân đội Trung ương 108.
Gia đình người hiến đã đồng ý hiến: tim, 2 quả thận, 2 giác mạc, 2 lá phổi để ghép cho các bệnh nhân suy tạng khác. Sau khi lấy phần tạng của người hiến, tại bệnh viện 108, các bác sĩ đã tiến hành ghép thận cho 1 bệnh nhân (1 quả); ghép 2 phổi cho 1 bệnh nhân và ghép giác mạc cho 1 bệnh nhân (1 giác mạc), còn lại 1 giác mạc được điều phối sang cho BV Mắt Trung ương ghép cho một bệnh nhân khác.
Người nhận phổi là bệnh nhân Trần Ngọc H (sinh năm 1964, ở Nam Định), bị suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Thực hiện ghép phổi là 2 chuyên gia từ Cộng hòa Pháp, 1 chuyên gia đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên… của BV BV Trung ương Quân đội 108.
Người nhà của bệnh nhân được ghép phổi cho biết: bệnh nhân H bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ nhỏ, lao động kém, những năm gần đây rất khó thở, sinh hoạt khó khăn vì vậy gia đình đã làm đơn và có tên trong danh sách bệnh nhân chờ ghép phổi tại Trung tâm Điều phối tạng quốc gia từ rất lâu.
Bệnh nhân mong muốn được ghép phổi để được sống một cuộc sống tốt hơn những năm tháng phải đối chọi với bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính giai đoạn cuối hành hạ. May mắn, đợt này, bệnh nhân được lựa chọn ghép phổi từ người cho chết não.
Việt Nam ghi dấu ấn về ghép phổi
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép phổi thành công từ người cho chết não. “Ghép phổi là một trong những kỹ thuật rất khó của kỹ thuật ghép tạng đặc biệt ghép phổi từ người hiến chết não thì khó khăn hơn rất nhiều” - GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết hay.
TS Ngô Vi Hải – BV TRung ương Quân đội108 chia sẻ về Những khó khăn của ca ghép phổi từ người hiến chết não: Ghép phổi là kỹ thuật ghép rất khó trong y học vì phổi không như những bộ phận khác. Phổi là cơ quan hô hấp cung cấp oxi cho cơ thể. Tất cả sự thay đổi, vi trùng đều ảnh hưởng tới phổi. Ghép phổi khó khăn bởi khả năng nhiễm trùng của bệnh nhân rất cao.
Ghép phổi từ người hiến sống tức là phổi của người hiến sống phải khỏe mạnh, không được nhiễm khuẩn. Người hiến đồng ý hiến 1 phần lá phổi của mình cho người nhận. Phổi của người hiến phải rất khỏe mạnh, không được nhiễm khuẩn để đảm bảo cho người được ghép sau khi ghép có lá phổi khỏe mạnh.
“Ghép phổi từ người hiến đã chết não tức là não đã chết hoàn toàn và những bộ phận khác như: Phổi, tim, gan, thận phải hoạt động nhờ vào sự hỗ trợ của máy móc. Vì thế, phổi của người cho do chết não nên đã trải qua một thời gian hồi sức, thở máy thở sẽ dễ bị tổn thương.
Đặc biệt, ở bề mặt các màng trong của phổi, do hồi sức nên phải tiến hành bơm rửa nên khả năng bị nhiễm trùng rất lớn, dẫn tới tình trạng không cung cấp đủ oxi cho người ghép, rối loạn hô hấp, nhiễm trùng.
Quá trình lấy phổi từ người đã chết não diễn ra trong tình huống cấp cứu chứ không thể chủ động như khi lấy phổi từ người hiến còn sống hiến 1 phần của lá phổi. Vì vậy đòi hỏi kỹ thuật viên lấy tạng phải rất nhanh chóng và chính xác.
Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân Trần Ngọc H đã tương đối tốt, huyết động ổn định, chức năng hô hấp tốt. Bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị chống thải ghép, được tập vận động chức năng. Các ca ghép tạng khác, hiện các bệnh nhân nhận tạng cũng đang phục hồi tốt. Theo các bác sĩ, hiện nay trên thế giới, những ca ghép phổi từ người cho chết não được thực hiện thuận lợi, bệnh nhân sau đó có cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định tới 15 – 20 năm.
Về chi phí của ca ghép phổi này, bệnh nhân được miễn hoàn toàn chi phí từ khi nhập viện theo dõi tới khi tiến hành phẫu thuật và chăm sóc cho bệnh nhân được ghép phổi vì ghép phổi cũng nằm trong đề tài cấp Quốc gia được nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Trước đó, Việt Nam cũng mới thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống thành công cho bệnh nhân Lý Chương Bình- 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp với nguồn tạng hiến từ người bố và bác. Ca ghép đó diễn ra ngày 21/2/2017, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện.
GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca phép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của các ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các thầy thuốc Việt Nam. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.
Theo Giáo dục thời đại