Khách du lịch đến Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn trong những tháng đầu năm nay chủ yếu là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc.
Để nâng cao chất lượng phục vụ khách, ngoài việc trùng tu, hoàn chỉnh chương trình tham quan và thuyết minh tại các nhóm tháp A, K mới được chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam trùng tu, tại Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn, các gói dịch vụ vận chuyển, nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm, nghệ thuật ẩm thực thường xuyên được nâng cao chất lượng cùng với việc nâng cấp chất lượng chương trình đêm Mỹ Sơn huyền thoại, áp dụng kiểm soát vé bằng quét mã QR, hoàn chỉnh hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ.
Đặc biệt, Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đã phát huy website thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn bộ di sản, tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan. Phần mềm này còn giúp Ban Quản lý ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện quảng bá về Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đến du khách trong và ngoài nước.
Hiện tại, Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đang tiếp tục nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới, tạo không gian triển lãm cho bảo tàng trên Metaverse để người xem có thể tham quan từ xa, nâng cao khả năng tương tác và xoay 360 độ.
"Sự trở lại đặc biệt ấn tượng của du khách, nhất là khách quốc tế đến Mỹ Sơn trong gần 3 tháng đầu năm là khởi đầu hết sức tốt đẹp. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu đón 300.000 khách trong năm 2023 của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn chắc chắc sẽ thực hiện được", Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn nhấn mạnh./.