Tại buổi họp báo chuyên đề về xe công chiều 8/3, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết số lượng ôtô công tính đến ngày 31/12/2016 là 34.214 chiếc, trong đó xe cho chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.000 chiếc và xe chuyên dùng là hơn 16.000 chiếc.
Vị này thông tin thêm đến hết năm 2016, cả nước đã thanh lý hơn 1.100 chiếc, còn hơn 2.000 chiếc xe dư hoặc phải thanh lý nhưng các địa phương và bộ, ngành chưa báo cáo hết số lượng trong khi chi phí nuôi mỗi xe công là 320 triệu đồng gồm xăng xe, khấu hao, lái xe….
Bộ cho rằng việc thực hiện khoán xe ở một số đơn vị như Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và tại Hà Nội là những động thái rất tích cực góp phần giảm đáng kể chi phí chi tiêu ngân sách thường xuyên đồng thời tạo dư luận tích cực trong xã hội.
“Tuy nhiên đến nay, quy định khoán vẫn trên tinh thần tự nguyện nên ít người áp dụng, không có cơ sở để kiểm chứng, đánh giá chính sách”, Bộ Tài chính cho biết.
Đáng chú ý, ông Thắng thông tin trong số hơn 1.100 xe đã thanh lý, có hơn 760 xe đã được báo cáo nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Giá thanh lý trung bình là 46,2 triệu đồng/xe.
Theo ông Thắng, trong tờ trình dự thảo mới đây, Bộ Tài chính đề xuất 3 phương án xử lý ôtô dư gồm bán chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất mua lại); điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
Về phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe, theo dự thảo, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.
Cho rằng dự thảo không tránh khỏi những phản ứng, nhưng với quyết tâm giảm số lượng xe công, ông Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi đưa ra vài phương án, nhưng chưa chọn phương án nào để các bộ, ngành, địa phương tham gia góp ý kiến, từ đó mới hoạch định phương án cuối cùng, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận".
Nói về số tiền dự kiến khoán xe công cho các chức danh (6,5 triệu đồng), đại diện Bộ Tài chính cho biết con số này dựa trên việc kiểm chứng thực tiễn thực hiện tại Bộ Tài chính thời gian qua (người nhận khoán cao gần 10 triệu đồng và thấp hơn 3 triệu đồng/tháng).
Còn về việc áp dụng đơn giá xe taxi 16.000 đồng/km cho người nhận khoán, vị này lý giải đơn giá được Bộ Tài chính căn cứ trên tiêu chuẩn xe (cao nhất là 1,1 tỷ đồng; tiêu chuẩn xe với Thứ trưởng là 920 triệu đồng, xe công tác chung là 720 triệu đồng).
"Nhìn vào thì tưởng 16.000 đồng/km là thoáng, nhưng so với chi phí 320 triệu đồng nuôi xe hàng năm trước đây thì sau khi tính toán đã giảm còn một nửa. Như vậy, Nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi. Phương án đưa ra cần phải phù hợp. Hơn nữa, nay giá xăng dầu đang rẻ, nhưng nếu năm sau giá dầu tăng lên 100 USD thì không thể sửa lại Quyết định vì cần phải đảm bảo sức sống lâu dài cho những quy định nêu trong Quyết định của Thủ tướng", ông Thắng phân tích.
Giải thích về việc chỉ bắt buộc khoán với đưa đón chức danh mà không khoán bắt buộc với đi công tác, ông Thắng cho hay chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch tỉnh... chỉ khoảng 700 người và với đặc thù, tính chất công việc của những chức danh này thì không thể bắt buộc khoán công tác.
"Các đồng chí đó có thể sử dụng xe cá nhân hoặc xe dịch vụ, tuy nhiên vẫn cần phải có xe phục vụ công tác để chủ động. Nguyên tắc cao nhất là không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của các chức danh này", ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng với việc giảm đầu xe, trong thời gian tới Bộ này cũng sẽ giảm số lượng công chức, viên chức, giảm số lượng biên chế lái xe. Bộ Tài chính hiện không tuyển thêm lái xe, và với những lái xe đến tuổi về hưu thì không tuyển bổ sung.