Đây là thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra ngày 29/2.
Kế hoạch triển khai đặt hàng đào tạo đối với 4 đề án thành phần được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố xây dựng với 5 nội dung trọng tâm; trong đó, đề cập đến quy trình đặt hàng đào tạo, đối tượng tham gia chương trình đào tạo, kinh phí thực hiện, trách nhiệm và quyền lợi của người học cũng như cơ sở đào tạo.
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đối tượng tham gia chương trình đào tạo là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố đáp ứng chuẩn năng lực về kiến thức, kỹ năng, thái độ (đầu vào) theo quy định tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng đủ năng lực tài chính.
Ba nhóm đối tượng tham gia chương trình gồm: Sinh viên năm 3, 4 của các trường đại học đồng ý tham gia chương trình đào tạo với điều kiện cụ thể về kết quả học tập, trình độ ngoại ngữ, ngành đang học… có thể tuyển sinh thông qua khảo sát hoặc bài đánh giá đảm bảo chất lượng đầu vào; học sinh lớp 12 các trường trung học phổ thông được tuyển sinh từ năm 2024 thông qua đợt tuyển sinh hằng năm của các trường đại học; cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị trên địa bàn Thành phố, có nguyện vọng tham gia chương trình đào tạo, có thể được tuyển sinh thông qua khảo sát hoặc xét tuyển điều kiện đáp ứng chương trình đào tạo.
Người học sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo theo đề án thành phần được Thành phố giới thiệu việc làm trong thời hạn một năm tính từ khi nhận bằng tốt nghiệp.
Theo quy định, kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa, các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Kinh phí đào tạo được xác định là một trong những vấn đề quan trọng khi triển khai thực hiện đào tạo, trong đó cần xác định tỷ lệ giữa nguồn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp (đơn vị sử dụng lao động), các trường đại học và sinh viên đóng góp. Vì thế, đối với kinh phí thực hiện đề án, đặc biệt là trong khâu đào tạo, cần xây dựng dự toán, cụ thể hóa từng nội dung trong nội dung chi trong đề án trình HĐND Thành phố có cơ sở pháp lý cho việc chi ngân sách triển khai đề án.
Trong thời gian chưa tiến hành đại trà, Thành phố có thể thực hiện theo cơ chế thí điểm đặt hàng cụ thể cho trường đại học chủ trì đề án thành phần, với số lượng sinh viên cụ thể. Thành phố nghiên cứu nội dung Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội trong việc đặt hàng đào tạo hoặc thí điểm cho các cơ sở giáo dục đại học, đại học trọng điểm đào tạo theo cơ chế đặt hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Thành phố sẽ đầu tư cho các trường đại học trên địa bàn, không phân biệt công - tư, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ hoặc đầu tư trực tiếp. Cụ thể, Thành phố hỗ trợ các trường đại học trên địa bàn giải quyết những vấn đề liên quan pháp lý đất đai, để phát huy nguồn lực này. Thành phố triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu chính sách cho vay.
Thành phố chọn lựa đầu tư trực tiếp hoặc đề xuất Trung ương xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở thành phố, bao gồm cả trong trường đại học. Thúc đẩy phát triển Đại học khởi nghiệp cũng là một trong những vấn đề Thành phố quan tâm. Thời gian tới, trên cơ sở gợi ý về tiêu chí Đại học khởi nghiệp, các trường đại học trên địa bàn có thể đăng ký thực hiện và Thành phố có chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ trường thực hiện. Khuyến khích hình thành các Trung tâm xuất sắc trong các trường đại học, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách đầu tư phù hợp.