Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo tỉnh Nghệ An; Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã dự.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả một năm thực hiện Chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn mới từ đó rút ra bài học kinh nghiệm tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả trong các năm 2023, 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, với 25.000 hội viên đang sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc, hiện nay công tác bồi dưỡng nghiệp vụ càng được các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương coi trọng.
Nhờ đẩy mạnh các phong trào nghiệp vụ, nâng cao trình độ tác nghiệp cho hội viên, các cấp Hội Nhà báo phát huy tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoạt động hiệu quả; "ngôi nhà chung" tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tạo môi trường sinh hoạt nghiệp vụ bổ ích và thiết thực cho hội viên - nhà báo, nơi động viên đội ngũ những người làm báo giữ vững bản lính chính trị, phát huy tinh thần cống hiến, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày 8/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025". Mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hằng năm. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo.
Tại Hội nghị,nhiều ý kiến, tham luận chỉ rõ khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ trong thực hiện chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao. Cụ thể, công tác hỗ trợ chưa được triển khai đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, chưa có sự thống nhất trong cả nước; thiếu kinh phí cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao và phổ biến tác phẩm trong hội viên. Công tác hỗ trợ mới chỉ tập trung vào những nguồn sáng tạo (chất xám) hiện có mà chưa chú trọng khâu bồi dưỡng tài năng trẻ...
Theo ông Lê Quang Á, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, hạn chế trong thực hiện chương trình là có những loại hình như phát thanh, ảnh báo chí còn ít tác phẩm được hỗ trợ, nhất là ảnh báo chí.
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa cho rằng, kinh phí đầu tư cho tác phẩm còn thấp, chưa thực hiện được cơ chế đặt hàng để có được những tác phẩm chuyên sâu, đạt hiệu quả cao.
Tại Hội nghị, Hội Nhà báo Việt Nam trình bày nội dung về xây dựng, thực hiện "Quy chế hỗ trợ" và lập báo cáo quyết toán kinh phí Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025.