IPCC xác định một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được bằng cách giới hạn sự nóng lên toàn cầu dừng ở 1,5ºC so với 2ºC hoặc hơn. Ví dụ, “vào năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,5°C so với 2°C”. Chỉ cần tăng thêm 0,5°C, việc mực nước biển dâng lên cao sẽ ảnh hưởng lớn đến 10 triệu người hoặc hơn vào năm 2100. Số lượng các loài côn trùng dự kiến biến mất hơn một nửa do môi trường sống của chúng bị giảm đến 66% nếu sự ấm lên đạt đến ngưỡng 1,5°C so với 2°C - bao gồm cả các loài thụ phấn cần thiết cho an ninh lương thực.
Tuy nhiên, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5ºC đòi hỏi sự thay đổi “nhanh chóng và sâu rộng” trong các yếu tố như đất đai, năng lượng, công nghiệp, giao thông đô thị và thành phố. Lượng phát thải carbon dioxide (CO2) do con người tạo ra toàn cầu sẽ cần giảm khoảng 45% so với mức năm 2010 vào năm 2030, đạt mức bằng không vào khoảng năm 2050.
Tình hình hiện tại được đánh giá là đáng báo động, đòi hỏi chúng ta hành động mạnh mẽ và ngay lập tức. Trên thực tế, Giải Nobel Kinh tế năm 2018 công nhận các giải pháp hiệu quả do William Nordhaus và Paul Romer phát triển nhằm tích hợp biến đổi khí hậu và đổi mới vào tăng trưởng kinh tế.
Mô hình kinh tế của William Nordhaus cho phép đánh giá và tích hợp các chi phí của biến đổi khí hậu. Ông cũng đã chứng minh rằng biện pháp khắc phục hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một chương trình thống nhất áp dụng thuế carbon toàn cầu. Paul Romer đã chứng minh sự cần thiết của các chính sách công để thúc đẩy sự đổi mới và công nghệ như một yếu tố quyết định quan trọng cho phát triển kinh tế.
Do sự hợp tác toàn cầu là cần thiết để giải quyết những thách thức mang tính chất toàn cầu, UNESCO đóng vai trò là nền tảng cho hợp tác khoa học, chia sẻ kiến thức và khai thác kiến thức tốt nhất về tài nguyên thiên nhiên, bao gồm nước, chức năng và dịch vụ hệ sinh thái, đại dương và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. UNESCO đã thông qua Tuyên bố về các nguyên tắc đạo đức liên quan đến biến đổi khí hậu để hỗ trợ việc ra quyết định của các nước thành viên, cộng đồng khoa học và xã hội dân sự.
Mốc 1,5°C không thể đạt được nếu không có sự thay đổi trong tư duy, đòi hỏi những nỗ lực nâng cao trong giáo dục, nhận thức cộng đồng, khoa học, đạo đức, văn hóa và truyền thông, được xem như một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức. Vì lẽ đó, UNESCO kêu gọi các tổ chức và cá nhân hãy hành động, hành động thật mạnh mẽ ngay bây giờ.