Thậm chí nhiều cửa hàng thường phụ thuộc vào doanh số bán hàng cao trong quý cuối năm để đạt được mục tiêu kinh doanh cả năm và giúp họ tiến tới quỹ đạo tăng trưởng.
Tuy vậy, giống như hầu hết sự kiện khác diễn ra trong năm 2020, hoạt động mua sắm vào dịp lễ năm nay cũng sẽ khác biệt so với mọi năm.
Chịu tác động bởi những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, tình hình kinh tế toàn cầu và đặc biệt là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, xu hướng mua sắm trong dịp lễ cuối năm nay sẽ có nhiều điểm chưa từng thấy ở những năm trước đó và các nhà bán lẻ cần thực hiện các điều chỉnh để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất và có được kết quả kinh doanh khả quan.
Mùa mua sắm được khởi động sớm
Hầu hết các năm, một “luật bất thành văn” là Ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) luôn được coi là ngày khởi đầu cho mùa mua sắm dịp lễ cuối năm. Nhưng năm nay, mùa mua sắm này đã bắt đầu từ giữa tháng Mười.
Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, cứ 10 người tiêu dùng thì có 3 người bắt đầu việc mua sắm cho kỳ nghỉ lễ cuối năm sớm hơn bình thường trong năm 2020.
Việc mua sắm sớm cho phép khách hàng dễ dàng hơn trong việc thực hiện giãn cách xã hội, một trong những biện pháp hiệu quả nhằm tránh lây lan dịch COVID-19.
Ngoài ra, việc phải phục vụ một lượng khách hàng quá lớn tập trung vào sát thời điểm nghỉ lễ cũng gây bất tiện và tốn kém cho các nhà bán lẻ nên họ cũng đang khuyến khích người tiêu dùng khởi động mùa mua sắm sớm hơn.
Thương mại điện tử lên ngôi
Thay vì mua sắm tại cửa hàng, mùa lễ hội cuối năm 2020 sẽ chứng kiến sự thống lĩnh của thương mại điện tử.
Nhiều khu vực trên toàn cầu vẫn áp đặt các quy định hạn chế sức chứa và giờ mở cửa của các trung tâm mua sắm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, khi mùa dịch cúm sắp tới và thời tiết lạnh giá có thể dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh.
Một số ước tính cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến vào dịp lễ cuối năm nay có thể tăng tới 35%.
Nguy cơ giao hàng chậm trễ
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động mua sắm trực tuyến và nhu cầu giao hàng có thể sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống logistics và giao các đơn hàng vốn đã “quay cuồng” bởi sự xuất hiện của đại dịch.
Một số công ty giao hàng đang chuẩn bị cho mùa mua sắm lễ hội cuối năm bằng cách thuê thêm hàng nghìn nhân viên, nhưng tình trạng căng thẳng đối với hệ thống giao hàng vẫn có thể ảnh hưởng đến khách hàng, đặc biệt là khi một số công ty giao hàng tăng phí để bù thêm chi phí cho sự an toàn và vệ sinh.
Chi tiêu hạn chế
Một trong những câu hỏi lớn nhất xung quanh việc mua sắm trong dịp lễ năm nay là người tiêu dùng sẽ chi bao nhiêu.
Với tình hình kinh tế bất ổn và nhiều người phải đối mặt với việc mất việc làm hoặc cắt giảm lương, một phần trong số những người tiêu dùng có thể sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.
Báo cáo mới đây của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự đoán rằng lượng chi tiêu trong dịp lễ cuối năm nay sẽ giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quà tặng phi truyền thống chiếm ưu thế
Năm nay, người tiêu dùng sẽ tạm quên những món quà thông thường và những vật phẩm dự trữ do tâm lý của người tiêu dùng sẽ theo một hướng khác.
Nhiều người sẽ tặng nhau trò chơi, đăng ký dịch vụ truyền phát trực tuyến và các phiếu giảm giá du lịch trong tương lai. Bên cạnh đó, các phiếu chăm sóc cơ thể và sắc đẹp tại nhà cũng là một lựa chọn được ưu tiên.
Khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và diễn biến phức tạp, người tiêu dùng cũng có thể chi tiêu nhiều hơn cho các thiết bị tập thể dục tại nhà, các mẫu quần áo thoải mái và những vật dụng trang trí nhà cửa để tận hưởng tối đa quãng thời gian ở nhà do các lệnh phong tỏa xã hội.