Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 136/QĐ-TTG cho phép thử nghiệm Mobile-Money trong thời gian 2 năm từ thời điểm ký quyết định (ngày 9/3/2020). Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.
Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Các doanh nghiệp thí điểm được phép triển khai trên toàn quốc, song phải ưu tiên triển khai tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam, chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.
Thí điểm Mobile Money – Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện. (Ảnh minh họa: KT) |
Phải tiếp cận được 100% người dân
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện. Chưa kể ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ tài chính số cùng còn nhiều trở ngại.
“Ở quê tôi cũng không có nhiều chi nhánh ngân hàng, nên cần rút tiền mặt thì phải đi ra tận thị xã”, anh Vũ Văn Nam, một người dân chia sẻ.
"Chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân," Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, không chỉ chuẩn bị trước hạ tầng và nguồn lực đáp ứng các yêu cầu trong Quyết định 316, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 70 triệu thuê bao di động của Viettel một cách an toàn, bảo mật. Đại diện Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết, đã sẵn sàng để triển khai ngay sau khi được cấp phép.
“Cuối 2020, chúng tôi đã thử nghiệm dịch vụ này cho hơn 40.000 cán bộ nhân viên của Viettel và dịch vụ đã rất ổn. Về mặt hạ tầng, để sẵn sàng cho người dùng sau khi kích hoạt tài khoản và sử dụng, chúng tôi đã có sẵn hệ sinh thái số Viettel Pay, hiện đang cung cấp cho 10 triệu khách hàng. Và một vấn đề mà tôi nghĩ rất nhiều khách hàng tương lai có thể quan tâm, đấy là câu chuyện bảo mật, thì dịch vụ Moblie Money của chúng tôi được áp dụng những tiêu chuẩn công nghệ bảo mật ở mức cao nhất của thế giới như PCIDSS, hay là bảo vệ thông tin. Bên cạnh đó, để người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng là các điểm hỗ trợ tạo tài khoản, nạp - rút tiền, cũng như chấp nhận thanh toán… thì về các điểm hỗ trợ nạp - rút tiền, chúng tôi đã phủ rộng trên 63 tỉnh, thành, đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Đây là một lợi thế của chúng tôi trong việc cung cấp dịch vụ Mobile Money”, ông Trương Quang Việt cho biết.